11/11/2018 10:57 GMT+7

Phép lạ từ phở Bà Tát

BÙI CHÍ VINH
BÙI CHÍ VINH

TTO - Xóm Lách có phở Bà Tát ở Dốc Dài nổi tiếng. Sở dĩ gọi là Dốc Dài vì còn có Dốc Cụt nối ra đường Công Lý (tức Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM bây giờ).

Phép lạ từ phở Bà Tát - Ảnh 1.

Một bát phở bò Hà Nội - Ảnh: HOÀNG ANH

Nhà tôi nằm ở cuối Xóm Lách nửa trên bờ nửa dưới nước trên dòng sông - nay là kênh Nhiêu Lộc.

Thuở ấy sông không ô nhiễm, nước lên đầy cá lìm kìm, cá bảy màu bơi lội, nước xuống cá thòi lòi trợn tròn xoe mắt ngó tụi tôi lội sình xách lưỡi câu móc mồi trùn hổ câu lươn.

Từ nhà tôi đến Dốc Dài phải đi qua chợ Xóm Lách. Mỗi lần câu dính vài con lươn là tôi xách ngay ra chợ bán "mão" cho mấy bà buôn bán cá. Tiền thu hoạch lươn khiến tôi có quyền tự ban phép lành cho mình thưởng thức một tô phở Bà Tát.

Nhưng thú thật tôi chưa bao giờ dám làm... chuyện động trời ấy. Năm 1964 với đứa bé 10 tuổi như tôi, điều can đảm nhất là kêu một tô "bánh nước" giá 5 cắc đủ để nhớ đời. Mà không nhớ đời sao được, phở Bà Tát chỉ tồn tại trong một chiếc xe đẩy nhưng lại là phở "quý tộc".

Tôi không biết nước lèo được Bà Tát chế biến ra sao nhưng chỉ cần rắc chút hành lên trên mà húp là toàn bộ cơ thể "thăng thiên". Coi, nước lèo ngọt lịm mùi xí quách thơm lừng béo ngậy, còn tôi biến thành một thi sĩ nhi đồng thả hồn thơ lai láng: "Ta vốn sún nửa răng cửa - Ăn cơm sợ gió lọt vào - Nên đành đổi qua ăn phở - Ăn dần thành tục lệ sao".

Vậy đó, thằng nhóc không dám ăn thịt sợ tốn tiền, chỉ dám ăn "bánh nước" một năm sau vác lều chõng đi thi đệ thất (tức lớp 6 bây giờ) tại Trường trung học công lập Trần Lục.

Phép lạ từ phở Bà Tát - Ảnh 2.

Một tiệm phở quen thuộc với người Sài Gòn - Ảnh: HẢI AN

Ba tôi nói Xóm Lách là một xóm lao động ngoằn ngoèo như con rắn với rất nhiều ngõ hẻm, hai người đi bộ phải "lách" nhau mới lọt qua. Chính vì thế ba tôi đèo xe đạp chở tôi ngay từ sáng sớm để tránh đụng chạm người quen ở dọc đường. 

Hôm đi đến trường thi, tôi ngồi đằng sau ôm eo ếch ông thợ giày (ba tôi), tưởng tượng mình sẽ được ăn sáng một gói xôi nào đó trước lúc vào thi. Nào ngờ khi xe đạp chạy ngang ngã ba, ba tôi chợt hét lên: "Con thấy gì không hả Vinh?"/"Thấy gì hả ba?".

Xe dừng lại và ông quay ra sau chỉ trỏ: "Con chó vừa vẫy đuôi chào con đi thi"/"Con có thấy con chó nào sủa đâu?"/"Con chó đá nhà bà Tư Huê Kỳ, ba thấy cái đuôi bằng đá của nó vẫy vẫy".

Trời đất, bà Tư chủ hụi là nhà giàu nhất Xóm Lách cũng là nhà duy nhất có xe hơi Mỹ nên mọi người hay gọi là bà Tư Huê Kỳ, bà cũng là người rước thợ về đục đẽo một con chó bằng đá để trước cửa.

Tôi còn đang ngơ ngác vì sự tưởng tượng dị đoan của ba tôi thì ông khẳng định: "Trong Truyện cổ nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc, con chó đá chỉ vẫy đuôi khi học trò đi thi đỗ đạt. Vì vậy ba sẽ đãi con một tô phở Bà Tát ở Dốc Dài".

Lần đầu tiên tôi được ăn một tô phở đầy đủ, một tô phở tổng hợp bao gồm "tái nạm gầu gân chín béo" mà không phải là một tô "bánh nước". Ba tôi chỉ kêu một tách cà phê đen rồi phì phèo điếu thuốc rê chứ không ăn. Ông lẳng lặng nhìn tôi ngồm ngoàm ngấu nghiến bằng khóe mắt long lanh.

Lương công nhật thợ giày của ông chỉ đủ phụ má tôi nuôi bốn đứa con thoi thóp ăn học, cho dù trước kia hàng xóm từng đồn về ông là chủ tiệm giày tàn tật Bùi Văn Trình nổi tiếng nằm trên đường Yên Đổ (tức Lý Chính Thắng bây giờ). Ông làm chủ tiệm cho đến ngày bị tù, bị tịch thu toàn bộ gia sản vì hoạt động cách mạng.

Ê, tôi cần chi phải biết những chuyện người lớn đó, điều quan tâm duy nhất của một thằng nhóc đi thi đệ thất lúc này là hưởng thụ tới nơi tới chốn tô phở cổ tích của Bà Tát sau quá nhiều lần nằm mơ: "Lần đầu tiên ăn phở - Nhờ chó đá vẫy đuôi - Cám ơn ba đã nhớ - Tặng con nỗi ngậm ngùi".

Câu chuyện đến đây kể như kết thúc, năm đó tôi đậu tốp đầu Trường trung học Trần Lục, ngôi trường chỉ tuyển chưa đến 200 người trên hơn chục ngàn sĩ tử của quận 3 dự thi. Tôi được học bổng suốt những năm học trung học không biết có phải vì câu chuyện bịa ra của ba tôi hay vì tô phở Bà Tát nhiệm mầu đầy năng lượng.

Đến hôm nay, mỗi lần đi qua Dốc Dài tôi lại nhớ phở Bà Tát. Không biết những người muôn năm cũ ở Xóm Lách hồn ở đâu bây giờ?...

Phép lạ từ phở Bà Tát - Ảnh 3.

Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa , báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi .

Mời bạn viết về kỷ niệm với một quán phở cụ thể, một lần ăn phở đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với món phở; hoặc ấn tượng về một nhân vật có thật, gắn bó/có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.

Bài viết tối đa 1.000 chữ. Vui lòng gửi về: [email protected].

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 12-11-2018. Các giải thưởng sẽ được công bố vào chương trình Ngày của phở 2018, dự kiến diễn ra ngày 12-12.

Những nỗi niềm của phở Việt

TTO - Không ít người nhìn vào những chuỗi thức ăn nhanh quốc tế vừa tiếc cho phở, vừa tham vọng mở mang chuỗi đồ ăn quốc hồn quốc túy này.

BÙI CHÍ VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên