Phóng to |
Khu dân cư mới xóm Trường - Ảnh: HU.H. |
Dấu chỉ về xóm Trường mới là con đường bêtông khá hiện đại, nổi bật tấm bảng ghi: “Đường nghĩa tình quân dân - Bộ Quốc phòng tặng khu dân cư mới xóm Trường”. Một phía bên đường, những ngôi nhà xây có chung mẫu thiết kế hiện ra đều tăm tắp trên triền đồi, được người dân gọi là “nhà Thụy Sĩ” (do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tài trợ). Trên mái nhà, các đường ximăng chạy song song được đắp khá dày để giữ ngói không bị tốc bay nếu có bão lớn.
Nếu không có cứu trợ...
"Những ngày sau lũ tinh thần tôi hoàn toàn bấn loạn, gánh một lúc ba cái tang. Nhưng rồi nghĩ mình phải vượt qua. Mình vẫn còn được sống nên phải sống thay cho cả người thân đã mất" Ông Trương Văn Bình |
Ông Ngô Hoàng Tài - nguyên bí thư chi bộ xóm Trường - vuốt mái tóc bạc sớm hơn cái tuổi 63, trầm ngâm: “Sau trận lũ đầu tháng 11-2009, không ai hình dung rồi sẽ có nhà cửa khang trang như thế này. Muốn xây được nhà, bà con ở đây phải chắt chiu gần cả đời người chưa chắc đã làm được”. Đêm đầu tiên trong ngôi nhà mới, nằm trên chiếc gường sắt là vật dụng duy nhất sót lại sau lũ, ông trằn trọc: “Hễ tôi nhắm mắt lại là hiện ra hình ảnh hai vợ chồng người em bị trôi trong đêm để lại ba đứa con thơ dại, là hình ảnh cả xóm trắng khăn tang, nhà cửa đổ nát, ruộng vườn bị bồi lấp...”.
Chuyện bể dâu của vùng đất này đã kéo ông về một ký ức rất xa. Từ đời cha ông đến gần hết đời ông Tài chưa bao giờ có lụt lớn. Giữa xóm có ngôi trường lớn lâu đời nên được gọi là xóm Trường. Từ năm 1910-1954, cả vùng Đồng Xuân chỉ hai nơi có trường tiểu học là ở La Hai (bây giờ là huyện lỵ) và tại đây thôi. “Cuộc sống ổn định bao đời như thế, vậy mà bị xóa hết chỉ sau một đêm mưa lũ” - ông Tài ngậm ngùi.
Trên đường đến các nhà khác trong xóm, ông nói sau trận lũ ấy nếu không có sự cứu trợ kịp thời của bà con khắp trong Nam ngoài Bắc thì người dân xóm Trường không thể nào sống nổi. Mấy tháng liền bà con chỉ ăn mì gói là chính, chia ra ngủ nhờ ở nhà người quen. Nhưng ngay sau tai họa, chuyện lo cho nơi ở mới diễn ra rất nhanh. Con đường bêtông cả cây số làm chỉ trong 10 ngày. Nhà ở xây chỉ trong bốn tháng. “Xóm cũ phút chốc tan tành, xóm mới giống một khu phố hiện ra như có phép lạ” - ông Tài cảm nhận.
Sống cho cả người đã mất
Người mang nỗi đau mất mát lớn nhất tại xóm Trường sau trận lũ tai ác năm đó là ông Trương Văn Bình. Ông mất một lúc cả ba người thân yêu: mẹ, vợ và đứa con út. Giờ người đàn ông 45 tuổi này một mình trong ngôi nhà mới rộng rinh, bởi cô con gái Trương Thị Kim Ly (23 tuổi) vừa lấy chồng bên xã Xuân Sơn Nam, còn cậu con trai 18 tuổi đi làm nghề ở Sài Gòn. “Những ngày sau lũ tinh thần tôi hoàn toàn bấn loạn, bởi cha tôi vừa mất mấy tháng trước đó, liền sau đó lại phải gánh một lúc ba cái tang. Nhưng rồi nghĩ mình phải vượt qua để lo cho con thay mẹ, thay bà chúng nó. Mình vẫn còn được sống nên phải sống thay cho cả người thân đã mất” - ông Bình tâm sự.
Trong nhà, chiếc tivi, đồng hồ treo tường và một số vật dụng đều do những đơn vị hảo tâm tặng. Trên vách vẫn còn dòng chữ lễ vu quy của con gái. Phía trước nhà trên, nơi trang trọng nhất, là bàn thờ những người đã khuất. Ông nói thật thà: “Đã mấy đám giỗ rồi tôi lúi húi xào nấu một mình, mấy cô mấy dì chọc: “Anh nên kiếm một bà về giúp”. Tôi nghĩ mình không thể vì phải chăm lo cho hương hồn cha mẹ, vợ con được yên lành”.
Ông Bình vẫn hay về xóm cũ, nơi chỉ còn dấu tích vài ngôi nhà đổ nát, lẩn khuất trong những vườn cây, ruộng mía. Đến đó, ông tần ngần nhiều giờ, thắp nhang khấn vái nơi bàn thờ trên nền nhà từng là tổ ấm của gia đình mình.
Ông Nguyễn Văn Hùng: “Cứu người là việc trước tiên, ai cũng phải làm như vậy thôi” - Ảnh: HU.H. |
Nghĩa hiệp ở làng
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi) ở thôn Triêm Đức, một “nhân vật” của báo chí sau trận lũ năm ấy đã cứu hơn 20 người. Không được khang trang như những “ngôi nhà Thụy Sĩ”, nhà của “người hùng” này đã quá cũ với nhiều vết nứt, lại quá chật vì chưa tới 40m². “Bề thề” nhất là cái gác lửng khá rộng. “Gác tránh lũ đó - ông cười khà khà - Từ khi có cái gác này, hễ có lụt là bà con đùm túm tới đây. Mình làm nghề lưới có chiếc sõng nên phải đi gom những nhà kẹt lũ về đây ăn ở”.
Trong trận lũ xóm Trường năm ấy, nghe tiếng kêu cứu trong đêm ông Hùng không ngủ được. Chờ mờ sáng, chèo sõng này vào xóm ông hoảng hồn vì thấy quá nhiều người đu bám kêu khóc trên những ngọn tre, đọt dừa. Chở lần lượt mọi người về nơi an toàn xong xuôi, ông mới rụng rời khi hay trong số người bị lũ cuốn có ông anh rể, một đứa cháu dâu và hai đứa cháu gọi ông bằng ông nội thứ. Ông giậm chân: “Tức mình ở chỗ là không cứu được người thân”. Cầm ra một phong bì ố vàng, ông nói đây là thư của ông bà TS Trần Đình Minh đã nhờ VTV chuyển đến hỏi thăm gia cảnh và chuyển cho 1.000 USD. Ông bà Minh còn hứa khi nào con ông vào đại học thì sẽ đài thọ ăn học. “Nhưng thằng nhỏ thi không đậu, đi phụ hồ rồi. Năm nay ôn tập thi lại để học tới nơi tới chốn”.
Ông Hùng giờ không lưới cá nữa mà đi ép mía bằng máy nổ. “Con cái lớn hết rồi, chỉ lo bà xã tui ốm yếu quá hay bệnh. Nhà cửa như vầy được rồi. Còn nhiều người khổ hơn mình”. Rồi ông cười sảng khoái: “Mình tên là Hùng mà cứ nghe báo chí gọi là “người hùng” ngại quá, trong hoàn cảnh đó cứu người là việc trước tiên, ai cũng phải làm như vậy thôi”.
Qua biến cố xóm Trường đã đổi thay, chỉ một điều không đổi là cư xử nghĩa hiệp chân quê, sẵn sàng cứu giúp người khác cho dù mình có thiệt thòi.
“Chúng con phải tiếp tục học”
Rời xóm Trường, chúng tôi vào TP.HCM tìm gặp hai chị em Trương Thị Lệ Huyền và Trương Trung Hưng mất cả cha lẫn mẹ trong trận lũ tháng 11-2009. Lúc đó Huyền mới vào học ngành kế toán ở ĐH Hồng Bàng, còn Hưng học lớp 11. Sau trận lũ, chịu tang cha mẹ xong, gửi em trai Trương Tấn Nghĩa 12 tuổi cho ông bà nội ở Bình Định, hai chị em vào TP.HCM vừa đi làm vừa tiếp tục học. Hiện Huyền sắp tốt nghiệp ngành kế toán, còn Hưng đang học cao đẳng xây dựng.
Trong căn nhà trọ chật chội ở cùng với bốn cô bạn khác nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), những ngày này Huyền đang ôn tập nước rút để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp. Huyền kể: “Từ sau tết đến giờ, cháu không đi làm nữa mà tập trung ôn thi. Cũng may năm vừa rồi công ty chỗ cháu làm thưởng rất khá, cháu để dành được mười mấy triệu đồng nên mấy tháng nay dù nghỉ làm cháu vẫn xoay xở được. Em trai cháu vừa đi học vừa làm thợ điện ở trọ với bạn tại quận Tân Phú, mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Bây giờ mỗi tháng ông bà nội chỉ gửi cho cháu 2 triệu đồng mà không cần gửi cho em cháu nữa”.
Huyền nói hằng ngày cô vẫn khấn nguyện trời Phật phù hộ cho gia đình mình. “Hai chị em cháu mồ côi nên gặp nhiều khó khăn, nhưng dù thế nào đi nữa vẫn phải tiếp tục học, vì đó là điều nơi chín suối cha mẹ cháu mong muốn nhất” - Huyền nói.
Phóng to |
Người dân xóm Trường đưa những người xấu số đi mai táng sáng 5-11-2009 - Ảnh: Tấn Vũ |
Tang thương và hồi sinh
* Đêm 2-11-2009, trận lũ bất ngờ ập về xóm Trường dìm chết 18 người, toàn bộ nhà cửa, tài sản trong xóm bị vùi lấp, cuốn trôi.
* Ngày 4-11-2009, trực thăng cứu trợ chuyến đầu tiên chuyển về xóm Trường 10 quan tài để kịp mai táng cho những người xấu số (Tuổi Trẻ đăng bài “”, ngày 6-11-2009).
* Ngày 23-11-2009, đại lễ cầu siêu được tổ chức với hơn 1.000 phật tử từ các đạo tràng ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... về xóm Trường cầu nguyện.
* Đầu tháng 1-2010, lực lượng quân đội dựng 44 ngôi nhà bạt cho người dân vào ở tạm để đón Tết Nguyên đán.
* Ngày 10-2-2010, khánh thành con đường bêtông về khu tái định cư cho người dân do công binh xây dựng chỉ trong vòng 10 ngày nên được gọi là “con đường thần tốc”.
* Ngày 1-10-2010, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ bàn giao 44 ngôi nhà mới cho người dân ổn định cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận