13/12/2018 20:08 GMT+7

Phe phản đối hoãn binh, bà Theresa May tạm thoát nạn

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tính kiên trì của Thủ tướng Anh Theresa May đã đánh bật những người muốn con tàu Brexit chệch khỏi đường ray. Bà nhận được gần 2/3 số phiếu tín nhiệm nhưng vẫn còn 117/317 nghị sĩ Đảng Bảo thủ phản đối bà.

Phe phản đối hoãn binh, bà Theresa May tạm thoát nạn - Ảnh 1.

Thủ tướng Theresa May phát biểu trước dinh thủ tướng trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tối 12-12 - Ảnh: Getty Images

Hôm trước, sau khi Thủ tướng thông báo hoãn bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit ở Hạ viện, ai cũng tưởng sự nghiệp chính trị của bà chuẩn bị kết thúc. Nay bà đã lấy lại thần thái sau khi 200/317 nghị sĩ Đảng Bảo thủ bỏ phiếu tín nhiệm bà tối 12-12.

Theo điều lệ đảng, một năm sau mới có thể tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm thêm lần nữa. Vì vậy bà đã có thể yên lòng ngẩng cao đầu tham dự Hội nghị cấp cao châu Âu dự kiến diễn ra tại Brussels hôm 13-12.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm là hành động vô trách nhiệm, điên rồ và phá hoại quốc gia

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao ALAN DUNCAN

Chiến thuật cứu bà May

Trước giờ lấy phiếu tín nhiệm, nghị sĩ Graham Brady phụ trách tiếp nhận thư bất tín nhiệm của các nghị sĩ thông báo với bà một cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo thủ sẽ được tổ chức do có 48 thư của các nghị sĩ yêu cầu.

Không để cánh hữu có thời gian tổ chức lực lượng, ông Brady - người gần gũi với bà May - quyết định tiến hành lấy phiếu tín nhiệm ngay vào tối 12-12.

Ngay sau đó, hàng loạt nghị sĩ phát biểu trên báo chí và mạng xã hội bày tỏ thái độ ủng hộ thủ tướng.

Lý do đưa ra như sau: đây không phải lúc tổ chức bầu lại quốc hội và phô diễn thái độ mất đoàn kết vào thời điểm người đứng đầu chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo EU sửa đổi thỏa thuận Brexit.

Bà May nhận được ủng hộ đặc biệt từ nghị sĩ Ken Clarke, một bậc trưởng thượng trong đảng và là người ủng hộ EU. Ông đánh giá bỏ phiếu tín nhiệm là "vô bổ, vô lý và vô trách nhiệm".

Phát biểu cạnh cây thông Noel trước nhà số 10 phố Downing trước giờ bỏ phiếu, bà đã thể hiện bản lĩnh của một chiến binh: "Tôi sẽ chiến đấu bằng hết sức lực của tôi".

Sau đó, bà bước vào căn phòng số 14 tòa nhà Quốc hội trong tiếng vỗ tay hoan hô và tiếng đập bàn cồm cộp. Để xoa dịu những người phản đối, bà thông báo dự định rời khỏi chính phủ trước kỳ bầu cử Quốc hội dự kiến vào năm 2022.

Từ nhiều tháng trước, các nghị sĩ muốn Brexit không cần thỏa thuận với EU như Jacob Rees-Mogg hay Steve Baker đã loan tin về bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng. Quyết định hoãn phê chuẩn thỏa thuận Brexit của bà May là cơ hội quá tốt để họ chuyển sang hành động.

Phe phản đối hoãn binh, bà Theresa May tạm thoát nạn - Ảnh 3.

Nghị sĩ Graham Brady thông báo Thủ tướng Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh: EPA

Lối thoát hẹp cho bà thủ tướng

Philippe Bernard - đặc phái viên báo Le Monde tại London - nhận định Thủ tướng Theresa May thường bị chỉ trích thiếu tầm nhìn về Brexit và hay áp dụng chiến thuật "câu giờ" khi vấp phải trở ngại đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhờ các nghị sĩ phản đối tạm thời hoãn binh. Song bà khó thoát khỏi vụ Brexit một cách êm thắm.

Với giọng văn cay nghiệt, cựu bộ trưởng tài chính George Osborne viết trên tờ Evening Standard (Anh): "Sau này bà ấy sẽ phải ra đi để giữ thể diện".

Chủ tịch Công đảng (đối lập) Jeremy Corbyn có thể vận động Hạ viện tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Theresa May. Dù vậy, sau kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Đảng Bảo thủ tối 12-12, Công đảng ít có cơ hội chiến thắng.

Phe phản đối hoãn binh, bà Theresa May tạm thoát nạn - Ảnh 4.

Những người phản đối Brexit tập trung trước Quốc hội tối 12-12 - Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận Brexit, Anh chỉ có thể rời liên minh hải quan chung EU - Anh chừng nào tìm được một giải pháp khác để tránh thiết lập biên giới hữu hình giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Nếu bằng khả năng thuyết phục của bà, các nước EU tìm ra công thức pháp lý xác định Anh ở lại trong liên minh hải quan chung chỉ là giải pháp tạm thời, bà vẫn cần thuyết phục đa số nghị sĩ tán thành phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

Trước sau gì ngày 21-1-2019 thỏa thuận Brexit cũng phải được trình ra Hạ viện để phê chuẩn trong khi có đến 117 nghị sĩ không tín nhiệm bà.

Phát biểu với báo giới tối 12-12 sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bà Theresa May khẳng định bà sẽ giữ lời về Brexit và sẽ tiếp tục đấu tranh để EU đưa ra cam kết mang tính chất ràng buộc về khả năng nước Anh có thể rời khỏi liên minh hải quan chung EU - Anh.
Bà May hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit tại quốc hội

TTO - Đối mặt với khả năng gần như chắc chắn sẽ bị bác bỏ, Thủ tướng Anh Theresa May quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit dự kiến diễn ra ngày 11-12 tại quốc hội.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên