Quyết định phê duyệt đồ án vừa được Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ ký, vị trí, ranh giới khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc diện tích của 4 xã xung quanh đầm Ô Loan gồm xã An Cư, An Hiệp, An Hòa Hải, An Ninh Đông.
Ranh giới trong khu vực nghiên cứu lập quy hoạch trùng với ranh giới trong khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan.
Theo đồ án được phê duyệt, toàn bộ bề mặt đầm Ô Loan là không gian chủ đạo để bố trí các chức năng sử dụng đất cũng như các khu vực không gian mở.
Quy hoạch định hướng tổ chức không gian khu vực xung quanh đầm Ô Loan thành 5 tiểu vùng, và định hướng kiểm soát kiến trúc, cảnh quan xung quanh thành 6 vùng.
Đáng chú ý, đồ án quy hoạch nêu rõ khống chế tầng cao các công trình xây dựng từ đến 2 - 9 tầng, các công trình xây dựng trên đồi, núi có chiều cao tối đa 2 tầng; các công trình xây dựng ven đầm, ven biển có chiều cao từ 2 - 4 tầng.
Đối với trường hợp đặc biệt, tùy theo vị trí, kích thước, quy mô diện tích khu đất thì tầng cao công trình sẽ được xác định cụ thể nhưng phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Mật độ xây dựng gộp tùy theo từng loại công trình, dự án phải được khống chế dưới 60%.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025 và đề án chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời, quy hoạch xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất phù hợp với từng loại hình kinh tế - xã hội, khu vực bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích danh thắng và điều kiện tự nhiên; làm cơ sơ để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư xây dựng.
Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước 1.300ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan giống như một con thiên nga đang sải cánh bay trên bầu trời quang đãng. Đầm là nơi có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu…, đặc biệt làm nên thương hiệu đầm Ô Loan là sò huyết.
Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 27-9-1996.
Phú Yên lập đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn
UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch.
Tính đến tháng 12-2023, toàn tỉnh có 112 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh với các loại hình: di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh, và 263 di tích nằm trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh công bố theo tiêu chí quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về chuyên môn, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác.
Vì vậy, đề án trên đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy di tích; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; phân cấp quản lý di tích; tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích; lập quy hoạch di tích; lập thủ tục cấp phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích, lập danh mục di tích kêu gọi xã hội hóa đầu tư...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận