03/10/2022 11:34 GMT+7

Phê duyệt đề án tiếp tục xây dựng hai trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký quyết định phê duyệt đề án tổng thể 'Tiếp tục xây dựng Trường đại học Luật Hà Nội và Trường đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật'.

Phê duyệt đề án tiếp tục xây dựng hai trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật - Ảnh 1.

Trường đại học Luật TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo quyết định vừa được phê duyệt, đề án xác định về đào tạo tổng quy mô của hai trường đến năm 2025 đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. 

Tăng quy mô đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ 10%/năm. Có một số chuyên ngành trọng điểm mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và quốc tế. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên đến năm 2025 không quá 25 sinh viên/giảng viên.

Đến giai đoạn từ năm 2026-2030, tăng quy mô đào tạo đạt khoảng 49.000, chú trọng tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. 

Đến năm 2030, tỉ lệ sinh viên/giảng viên không quá 20 sinh viên/giảng viên; quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% quy mô tuyển sinh trong năm.

Về nhân lực và tổ chức bộ máy, giai đoạn từ năm 2022-2025, Trường đại học Luật Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu khoảng 450 người, Trường đại học Luật TP.HCM có khoảng 350 người, trong đó tối thiểu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20-30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 30% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ…

Đến năm 2030 mỗi trường có khoảng 600 giảng viên, trong đó 40-45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25-30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ…

Về hợp tác trong nước và quốc tế đến năm 2025, đạt 80 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 40 thỏa thuận hợp tác trong nước. Tăng số lượng chuyên gia nước ngoài đến làm việc, phấn đấu đạt 15 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 20 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm.

Từ năm 2026-2030 đạt 150 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 85 - 100 thỏa thuận hợp tác trong nước. Phấn đấu đạt 30 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 30 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm.

Ngoài ra, đề án cũng xác định nhiều nội dung quan trọng về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng; về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin của hai cơ sở đào tạo.

Trước đó vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt đề án tổng thể xây dựng Trường đại học Luật Hà Nội và Trường đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Qua 7 năm thực hiện đề án, cả hai cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất nước đã đạt được nhiều kết quả khả quan làm tiền đề để tiếp tục xây dựng và triển khai đề án vừa được phê duyệt.

ĐH Luật TP.HCM tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển 35% tổng chỉ tiêu ĐH Luật TP.HCM tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển 35% tổng chỉ tiêu

TTO - Năm 2022, Trường đại học Luật TP.HCM tuyển sinh đại học chính quy theo hai phương thức với 2.100 sinh viên, năm ngành học.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên