17/05/2020 11:31 GMT+7

Phê-đo đã xa

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Ông có tên đầy đủ là Valikov Fédor Mikhailovich - diễn viên chuyên nghiệp. Đám 'con cháu' là tôi, một số sinh viên Việt Nam ở Trường Điện ảnh Matxcơva những năm 80 thế kỷ trước.

Phê-đo đã xa - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Mai Thành (phải) trong vai lão Thậm trên tờ bướm phim Chung cư

Năm 1984, phim tốt nghiệp của tôi cần một vai nam người Nga lớn tuổi. Tại phòng lưu trữ diễn viên của Xưởng Gorki, tôi tìm thấy một hồ sơ thích hợp: 70 tuổi, cao 1,65m. Tạng người nhỏ nhắn của ứng viên làm tôi thích thú, nhưng hơi chợn danh hiệu NSƯT. 

Bà thủ thư trấn an: "Yên tâm, đó là ông lão tốt bụng". Fédor xuất hiện trước tôi tương thích như nguyên mẫu và hào hứng nhận lời. 

Phim chỉ quay một tuần, nhưng nhiều ngày sau đó, lấy tôi và nghệ thuật làm cầu nối, ông lão chủ động làm quen hầu hết sinh viên Việt Nam trường điện ảnh bằng thứ nhiệt tâm dào dạt.

Thói đời trái khoáy, người ta sẵn sàng tin một cái ác vô độ, nhưng trước một lòng tốt vô biên thì nghi hoặc. 

Lũ tôi cũng tự hỏi vì sao ông lão tận tâm với bọn mình đến thế, chắc hẳn không chỉ vì những hoài niệm đẹp đẽ về một đất nước chiến tranh mà anh lính Hồng quân Phê-đo lưu giữ, cũng không phải vì những lời cảm ơn thảo mai hay những món quà vặt hiếm hoi. 

Thế thì chỉ còn cách lý giải rằng giữa cuộc sống già nua cô độc, quấn quýt chúng tôi cũng là một nhu cầu. Với so đo vậy, tình kẻ cho lẫn tâm người nhận thành nhẹ hẫng.

Kinh tế Liên Xô khi đó khó khăn, người ta từ chối bán cho dân Việt Nam hàng hóa số lượng nhiều. Là người bản xứ, "bác Phê-đo" có dịp thể hiện lòng tốt bằng cách lùng sục khắp nơi, khuân về cho "đám cháu" hàng đống túi nhựa, bàn ủi, nồi áp suất... 

Cũng ông, trong vai trò con buôn tự nguyện, mang "đẩy" hộ đám cháu đủ thứ hổ lốn, mà chắc chắn khi bán ông phải hao phai một phần danh giá.

Nhiều năm sau khi tôi về nước, bác Phê-đo vẫn tiếp tục tới lui cùng đám cháu Việt Nam, tiếp tục mang đến cho họ niềm vui lẫn sự phiền toái. Qua thư, ông lão luôn khoe với tôi về những đứa cháu mới quen, ai nhờ ông việc gì, ai tặng quà sinh nhật cho ông bằng một giọng hân hoan cuống quýt... 

Không hiểu sao tôi linh cảm sự đổ vỡ - sự đổ vỡ thường thấy ở những tình yêu thắc thỏm, đơn chiều. Thế sự đổi thay, địa dư cách trở, sinh kế và những nhu cầu mới đã đẩy bác Phê-đo vào quá khứ. Gần như không ai trong đám cháu Việt Nam liên hệ với "ông già tội nghiệp".

Năm 1995, một ngày ký ức bỗng đột nhiên ùa tới... Ông lão gần như rú lên khi nhận ra tôi trong điện thoại: "L. yêu quý! Mày sao? Thằng S. sao? Con H. lấy chồng chưa?". Tôi cố nén khóc: "Bác có còn đến chơi với các cháu Việt Nam không?". "Tao già rồi..." - giọng ông buồn rượi. Linh cảm của tôi đã thành sự thật. "Bác sống thế nào?". "Mọi thứ đều ổn".

"Mọi thứ đều ổn", bác Phê-đo là thế, luôn giấu thua thiệt riêng để chắt chiu những giá trị vô hình. Cuộc đời chồng chất bao kỷ niệm, nhưng có những kỷ niệm mà khi nghĩ về nó ta chỉ thấy nao nao liên tưởng. 

Như tôi, bất luận mọi đổi thay, nghĩ về nước Nga là tôi nghĩ đến bác Phê-đo, đến những cánh rừng thu hùng vĩ mà cô quạnh, đến những chuyến xe điện nặng nề nhưng mẫn cán, đón đưa bao thế hệ con người...

Năm 1999, phim Chung cư được mời dự thi Liên hoan phim quốc tế Matxcơva. Tôi mời Fédor Mikhailovich làm thượng khách. Ông nhỏ thó, chậm chạp hơn nhưng nụ cười vẫn ấm. Đêm chiếu phim, tôi thấy vài lần ông lau nước mắt. 

Ông thương Thậm - người như ông - từ ngơ ngác hoang mang đến đau xót hiểu ra bi kịch của những kẻ nặng tâm với những giá trị đinh ninh bất biến. Phê-đo nhận ra sự ra đi của Thậm ở cuối phim là niềm thương cảm của tôi dành cho nhân vật, để ông không phải lạc lõng giữa thế cuộc mới ông không thể hòa nhập.

Sau lần gặp đó không lâu, bác Phê-đo mất. Đốt ngọn nến nhỏ trong mùa đông Pháp, tôi thầm tin, như lão Thậm, sự ra đi của ông cũng là sự trở về với quá khứ trong veo mà ông mãi mãi thuộc về...

Xem phim Chung cư, giao lưu đạo diễn Việt Linh Xem phim Chung cư, giao lưu đạo diễn Việt Linh

TTO - Khán giả có dịp xem lại phim Chung cư, giao lưu với nữ đạo diễn Việt Linh và các diễn viên Hồng Ánh, Lê Bình, Mai Thành tại tòa nhà văn phòng trường ĐH Hoa Sen (8-Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM) vào 8g30 sáng 10-11.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên