03/06/2004 20:35 GMT+7

Phê bình văn học trước yêu cầu mới

Ghi chép của NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP (Theo Văn nghệ- ND)
Ghi chép của NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP (Theo Văn nghệ- ND)

"Phê bình văn học - bản chất và đối tượng" là chủ đề cuộc tọa đàm được Viện văn học tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, nhằm tìm hiểu sâu hơn thực trạng yếu kém và đề ra những giải pháp thúc đẩy phê bình văn học hiện nay.

Thiếu chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình văn học

Các tham luận của PGS.TS Phạm Quang Long, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nhà phê bình Lê Quang Trang, TS Nguyễn Đăng Điệp, TS Hà Công Tài, nhà phê bình Nguyễn Hòa... đã nêu lên vấn đề thiếu chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình văn học.

Thực trạng của phê bình hiện nay

1 - Thiếu một đội ngũ những người hành nghề phê bình chuyên nghiệp và có phẩm chất nhà nghề.

2 - Bên cạnh những thành tựu đã có, văn học nước ta từ sau 1986 đến nay vẫn thiếu những yếu tố hấp dẫn và kích thích sự phát triển của phê bình.

3 - Phê bình hiện nay đang thiếu một hệ thống chuẩn mực nghệ thuật (cốt lõi là hệ thống quan điểm lý luận văn học và mỹ học) và chuẩn mực giá trị làm thước đo.

4 - Ảnh hưởng của cơ chế thị trường vào văn chương và phê bình đã khiến cho phê bình văn học nhiều khi không làm trọn chức năng và đạo lý phê bình.

Sự thiếu chuẩn mực có thể xuất phát từ sự yêu - ghét mang tính cá nhân, có thể xuất phát từ sự thiếu tri thức khoa học hay "yếu lý thuyết" như Phạm Xuân Nguyên đề cập.

Tình trạng trên đây kéo dài đã nhiều năm làm cho đời sống phê bình văn học trở nên nhiễu loạn, người đọc không phân biệt được đúng / sai, hay / dở. Nhiều người biến phê bình thành việc quảng cáo, lăng xê tên tuổi hoặc hướng tới những mục đích ngoài văn học. Điều đó khiến cho phê bình văn học nhiều khi không làm trọn nhiệm vụ của mình.

Từ kinh nghiệm cầm bút của mình, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng cần phải quan tâm nhiều hơn đến các nhà văn trẻ. Ở góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng cần mở rộng dân chủ trong phê bình văn học. Tìm hiểu sự phát triển của phê bình phải xem xét thân phận của phê bình trong xã hội.

Thiếu chiều sâu học thuật khiến cho phê bình rơi vào tình trạng cảm tính, tản mạn, manh mún

PGS.TS Trần Ngọc Vương lưu ý: Tình trạng tách rời các bộ phận văn học sử, lý luận, phê bình và phê bình với sáng tác đã khiến cho phê bình rơi vào tình trạng rệu rã.

GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, PGS Phạm Quang Long, hai nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Hòa, PGS.TS Vũ Tuấn Anh... đều cho rằng việc thiếu tri thức chuyên sâu đã khiến cho trình độ phê bình chưa cao.

Nhiều người đề cập đến một thực tế đáng buồn là, tính chuyên nghiệp của phê bình văn học chưa thực sự nổi bật trong khi, theo TS Nguyễn Hữu Sơn: "Yêu cầu trở thành chuyên nghiệp, trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp có tay nghề và công việc phê bình cần được coi trọng như một khoa học, một nghệ thuật là điều không thể đảo ngược". Ở đây, tính chuyên nghiệp phải được hiểu là chiều sâu học thuật trong các văn bản phê bình.

Một số đề xuất, kiến nghị

- Nhanh chóng xây dựng một hệ thống lý luận và mỹ học để làm cơ sở cho việc đánh giá các giá trị văn học trở nên khách quan và khoa học.

- Cần phát huy hơn nữa tính dân chủ trong phê bình văn học vì dân chủ là môi trường kích thích sự tìm tòi sáng tạo của chủ thể phê bình.

- Xây dựng đạo đức phê bình và tôn trọng nhau trong tranh luận khoa học, loại bỏ những ý kiến thiếu trung thực, phi khoa học.

- Nâng cao tính khoa học và trình độ chuyên môn đội ngũ phê bình.

GS Hà Minh Đức nhận xét: "Mặc dù chúng ta đã đổi mới tư duy, kênh tiếp nhận đã được mở rộng, nhưng "thành tựu trong phê bình chưa rõ nét". Một hạn chế nữa của phê bình văn học là chúng ta chưa cập nhật được những thành tựu phê bình của nhân loại".

PGS.TS Trương Đăng Dung nhận xét, phê bình phải gắn với những thành tựu về lý luận văn học. Việc mở rộng tầm nhìn và tiếp thu những thành tựu lý luận và phê bình văn học của thế giới hết sức quan trọng. Chúng ta chưa có một chiến lược giới thiệu các thành tựu phê bình văn học thế giới một cách có hệ thống.

Văn hóa phê bình bị vi phạm nghiêm trọng

Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại thể hiện đạo đức phê bình. Vì thế, vấn đề văn hóa tranh luận được đề cập trong nhiều tham luận.

TS Trần Nho Thìn đã biện giải vấn đề này như sau: "Điều đáng buồn là trong nhiều trường hợp tranh luận, thay vì phản bác các luận điểm có tính học thuật bằng lý trí tỉnh táo; thay vì việc chứng minh cái sai bằng lý lẽ thuyết phục để bên tranh luận "tâm phục khẩu phục" thì người ta lại tranh luận bằng xúc cảm, để cho xúc cảm lấn át lý trí, không hiếm khi dẫn đến chỗ mạt sát, lăng mạ người được phê bình".

Tình trạng này có trách nhiệm của người tham gia tranh luận đã đành, nhưng một phần trách nhiệm còn thuộc về báo chí. Tính dân chủ và bình đẳng trong tranh luận nhiều khi chưa được tôn trọng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh giải tỏa một số vấn đề đã được nêu lên trong hội thảo. Ông cho rằng thước đo của văn học là tình thương yêu con người. Đúng là tranh luận văn học vừa qua có bị tổn thương. Công bằng mà nói, trách nhiệm thuộc về cả hai phía. Trong tranh luận nhấn mạnh khoa học, trung thực, khách quan, là rất đúng nhưng cần thêm sự khoan dung thì mới có thể tiếp cận chân lý, thúc đẩy sự phát triển của phê bình. Cần nâng cao chất lượng phê bình để tác động tốt vào sáng tác và sự thẩm định của bạn đọc.

Ghi chép của NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP (Theo Văn nghệ- ND)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên