Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (17-7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải tiến hành phiên họp để xem xét tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Theo đó, có tới hơn 518 tỉ đồng chưa được các địa phương hoàn tất thanh toán theo quy định.
Theo , trong thời hạn 12 tháng, sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết các địa phương vi phạm quy định về thanh toán khoản tiền nêu trên, nhưng về cơ bản các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ùy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền hơn 518 tỉ đồng đến hết ngày 30-6-2020.
Cho ý kiến về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng 11 địa phương và các bộ, ngành có liên quan đã không thực hiện nghiêm Luật bảo hiểm y tế, vi phạm thủ tục thanh toán, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phê bình nghiêm khắc các địa phương và bộ, ngành có liên quan.
"Đây là tình trạng thực hiện không nghiêm, không đúng quy định của luật, cuối cùng là dân chịu thiệt. Nếu đây không phải là việc liên quan đến sức khỏe, đến quyền lợi của người dân thì cá nhân tôi sẽ không đồng ý" - chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Qua sự việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thực thi đúng các quy định của pháp luật, tránh tình trạng cứ để xảy ra vấn đề lại xin rút kinh nghiệm và "sợi dây kinh nghiệm là sợi dây rút hoài không hết".
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định như đề nghị của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm, phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành và 11 địa phương.
"Tại sao đa số các tỉnh, TP làm tốt, trong đó có nhiều tỉnh nghèo, điều kiện khó khăn vẫn làm tốt, nhưng còn 11 tỉnh lại chưa thực hiện tốt, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…" - ông Hiển nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận