PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu như vậy tại buổi ra mắt tập tiểu luận phê bình điện ảnh Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập của TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh - chiều 8-11 tại Hà Nội.
Trước cuốn này, TS Ngô Phương Lan từng ra mắt Đồng hành cùng màn ảnh (1998, Giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình), Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam (2005, Giải Cánh diều vàng cho công trình lý luận, phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam)…
Khen đúng, chê đúng, chê có trách nhiệm
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ trong văn học nghệ thuật, có ba bình diện quan trọng, đó là sáng tác, phê bình lý luận và tiếp nhận văn học nghệ thuật.
"Trong lĩnh vực điện ảnh, khen chê là việc hết sức bình thường, nhưng cần khen đúng, chê đúng, chê có trách nhiệm", ông nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, công việc phê bình lý luận đòi hỏi một quá trình tích lũy, nung nấu và trăn trở lớn.
"Để có một tập tiểu luận phê bình điện ảnh như Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập của TS Ngô Phương Lan không phải là một điều dễ dàng.
Với tập sách này, ngành điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung có thêm một tác giả phê bình lý luận", ông Kỷ đánh giá.
Đọc Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, ông nói TS Ngô Phương Lan có một lối phê bình "vừa sắc sảo, vừa chừng mực", "đây là một công trình dày công và tinh tế".
Bà Lan chia sẻ ngay từ khi bước chân vào con đường này, bà đã không chọn đi vào hướng phê bình gây sốc. Bà thường để ý các yếu tố nghệ thuật cấu thành bộ phim hơn.
10 năm gần đây số lượng phim nhiều nhưng ít phim hay
Cuốn sách gồm hai phần nói về điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và thời hội nhập.
Tác giả Ngô Phương Lan bộc bạch bà muốn xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn 30 năm từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến thời điểm hiện tại để cho ra một bức phác thảo rõ nét.
"Phê bình là một công việc nặng nhọc. Muốn viết phê bình, phải có tác phẩm", bà chia sẻ tại họp báo.
Thời đổi mới và bước sang nền kinh tế thị trường, các nhà làm phim gặp nhiều khó khăn, chòng chành, không phải "như cá gặp nước". Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam có một giai đoạn phát triển đỉnh cao với nhiều phim hay, nhiều tác giả tài năng, gợi cảm hứng lớn cho những người làm phê bình.
Cụ thể, trong cuốn sách mới nhất, bà Lan chọn phê bình loạt phim ghi dấu ấn trong thời đổi mới như Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Mùa len trâu, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi…
Theo TS Ngô Phương Lan, bước sang thời hội nhập, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, có mấy chục phim ra rạp mỗi năm. Số lượng phim nhiều, có phim đạt doanh thu cao nhưng tỉ lệ phim hay, ấn tượng thì lép vế hơn hẳn thời kỳ đổi mới.
"Với hiện trạng đó, để có những bài phê bình hay rất khó", bà Lan bày tỏ.
Ngoài những bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam hai thời kỳ trên, trong tập tiểu luận Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh cũng dành nhiều trang về điện ảnh Việt Nam trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận