11/06/2019 15:35 GMT+7

Phẫu thuật màng nhĩ

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Phẫu thuật màng nhĩ là một thủ thuật dùng để vá màng nhĩ, tạo hình màng nhĩ và sửa chữa các xương nhỏ trong tai giữa.

Phẫu thuật màng nhĩ - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật màng nhĩ. Ảnh: fineartamerica.com

Phẫu thuật màng nhĩ là một thủ thuật dùng để sửa chữa lỗ hổng hoặc vết rách ở màng nhĩ. Phẫu thuật màng nhĩ cũng được sử dụng để sửa chữa hoặc thay thế 3 loại xương rất nhỏ ở phía sau màng nhĩ.

Màng nhĩ là một màng rất mỏng, ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Khi sóng âm thanh gặp màng nhĩ, màng nhĩ sẽ rung lên. Viêm tai tái phát, phẫu thuật hoặc chấn thương có thể gây tổn thương màng nhĩ hoặc các xương tai giữa và sẽ cần phẫu thuật màng nhĩ. Tổn thương những cơ quan này có thể để lại hậu quả là giảm thính lực và tăng nguy cơ bị viêm tai.

Các loại phẫu thuật màng nhĩ

Vá màng nhĩ (Myringoplasty)

Nếu lỗ thủng hoặc vết rách ở màng nhĩ nhỏ, đầu tiên, bác sĩ có thể thử dán lỗ hổng đó bằng một loại gel hoặc một loại mô mỏng như tờ giấy. Thủ thuật này sẽ kéo dài từ 15-30 phút và thường được tiến hành tại các cơ sở y tế với việc gây tê cục bộ.

Tạo hình màng nhĩ (Tympanoplasty)

Thủ thuật tạo hình màng nhĩ sẽ được tiến hành nếu lỗ hổng tại màng nhĩ lớn hoặc nếu bạn bị viêm tai mãn tính không thể điều trị được bằng kháng sinh. Bạn sẽ cần phải nhập viện và thủ thuật này sẽ được tiến hành khi bạn được gây mê.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ dùng tia laser để loại bỏ các loại mô hoặc mô sẹo thừa hình thành trong tai giữa. Sau đó, một mẩu mô nhỏ của chính bạn, được lấy từ các tĩnh mạch hoặc vỏ sợi cơ sẽ được ghép vào màng nhĩ của bạn để vá lại lỗ thủng. Bác sĩ có thể sẽ phẫu thuật thông qua ống tai để sửa chữa màng nhĩ, hoặc sẽ tạo ra một vết cắt nhỏ ở đằng sau tai và tiếp cận màng nhĩ từ hướng đó.

Thủ thuật này thường sẽ mất từ 2-3 tiếng.

Sửa chữa các xương nhỏ trong tai giữa (Ossiculoplasty)

Đây là loại phẫu thuật sẽ được tiến hành nếu 3 xương nhỏ của tai giữa bị tổn thương bởi tình trạng viêm tai hoặc chấn thương. Thủ thuật này sẽ được tiến hành khi bạn được gây mê. Những xương này có thể sẽ được thay thế bởi những xương tương tự của người hiến tặng hoặc bằng các dụng cụ chỉnh hình.

Biến chứng của phẫu thuật màng nhĩ

Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ. Những nguy cơ phổ biến bao gồm chảy máu, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, phản ứng dị ứng với thuốc và với thuốc gây mê được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Biến chứng đặc trưng của loại phẫu thuật màng nhĩ này rất hiếm gặp, nhưng có thể bao gồm:

- Tổn thương dây thần kinh mặt, hoặc dây thần kinh kiểm soát vị giác.

- Tổn thương các xương của tai giữa, dẫn đến mất thính lực.

- Chóng mặt.

- Lỗ thủng trong màng nhĩ không hồi phục hoàn toàn.

- Mất thính lực mức độ vừa hoặc nặng.

- Có lớp da thừa phát triển ở phía sau màng nhĩ, hay còn gọi là cholesteatoma.

Chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật màng nhĩ

Hãy nói với bác sĩ về bất cứ loại thuốc và thực phẩm chức năng nào mà bạn đang sử dụng. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết về các tình trạng dị ứng mà bạn mắc phải (dị ứng thuốc, thuốc gây mê hoặc dị ứng cao su). Nếu bạn bị ốm, hoặc cảm thấy không khỏe, bạn cũng nên nói với bác sĩ. Trong trường hợp này, cuộc phẫu thuật có thể sẽ được hoãn lại cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.

Bạn có thể sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước ngày phẫu thuật. Nếu bạn cần uống thuốc, hãy uống một ngụm nhỏ nước.

Sau khi phẫu thuật màng nhĩ

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ nhét bông vào tai của bạn. Và bạn có thể sẽ phải nhét bông vào tai trong vòng 5-7 ngày sau khi phẫu thuật. Băng gạc cũng có thể sẽ được băng ở ngoài, che phủ tai để bảo vệ tai của bạn. Những người đã từng trải qua phẫu thuật màng nhĩ thường sẽ được ra viện ngay sau khi phẫu thuật xong.

Sau phẫu thuật, bạn có thể sẽ được kê một số loại thuốc nhỏ tai. Để sử dụng, bạn hãy nhẹ nhàng tháo bỏ lớp băng gạc và bông, sau đó nhỏ thuốc vào tai. Thay băng gạc thường xuyên và không đưa bất cứ thứ gì vào tai.

Trong quá trình hồi phục, tránh để nước vào tai. Tránh đi bơi và nếu phải tiếp xúc với nước, hãy đội mũ bơi để tránh nước vào tai. Không ngoáy tai hoặc xì mũi. Nếu bạn cần hắt xì, hãy hắt xì và mở miệng để không làm tăng áp lực trong tai.

Hạn chế đến những nơi đông người và những nơi có nhiều người ốm. Nếu bạn bị cảm lạnh sau khi phẫu thuật, thì việc này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm tai của bạn.

Sau phẫu thuật, bạn có thể sẽ cảm thấy đau nhói ở tai hoặc cảm thấy tai bạn chứa đầy dịch. Bạn cũng có thể nghe thấy một vài âm thanh lạ phát ra từ trong tai. Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ cải thiện hơn sau vài ngày.

Triển vọng

Trong đa số các trường hợp, phẫu thuật màng nhĩ có tỉ lệ thành công cao. Theo trung tâm y tế tại trường Đại học Columbia, hơn 90% số bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật mà không có biến chứng gì. Chỉ có 2-4 bệnh nhân trên 1000 người sẽ bị giảm thính lực kéo dài sau khi phẫu thuật màng nhĩ. Nếu ngoài màng nhĩ, các xương nhỏ của tai giữa cũng cần được sửa chữa thì triển vọng có thể sẽ không khả quan bằng việc sửa chữa mỗi màng nhĩ.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên