29/09/2016 17:22 GMT+7

Phạt xe thô sơ chở hàng cồng kềnh: thế là... mếu máo

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Sáng 29-9, tổ công tác đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM) ra quân tập trung xử phạt xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ vi phạm pháp luật khi chở hàng cồng kềnh, quá khổ, đi vào đường cấm...

Xe ba gác của anh Tăng Văn Cầu Em chở sắt thép quá khổ  - Ảnh: SƠN BÌNH
Xe ba gác của anh Tăng Văn Cầu Em chở sắt thép quá khổ - Ảnh: SƠN BÌNH

Tổ công tác của đội CSGT Bình Triệu tập trung quanh cầu vượt Bình Phước (quận Thủ Đức), nơi giao nhau quốc lộ 1A, quốc lộ 13 cùng nhiều địa bàn giáp ranh khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ công tác lập biên bản xử phạt hơn 15 trường hợp vi phạm.

Đủ kiểu than nghèo kể khổ

Khi anh Tống Đức Hanh, 38 tuổi, lái xe ba gác cũ chở những thanh kim loại dài quá khổ liền bị CSGT chặn lại kiểm tra giấy tờ, lập biên bản xử phạt. Anh Hanh cho biết quê tỉnh Hà Nam, anh đến TP.HCM lập nghiệp bằng nghề lái xe ba gác chở hàng thuê kiếm 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Anh biết chở hàng quá khổ là vi phạm nhưng khách hàng gọi chở thì anh phải chở, nếu anh không nhận thì người khác nhận. “Lỡ bị bắt thì phải chịu phạt thôi, chứ biết sao bây giờ”, anh Hanh buồn rầu nói.

Tiếp đó, anh Nguyễn Quang Xanh, 28 tuổi, đang lái xe ba gác chở dừa cồng kềnh trên đường cũng bị CSGT thổi phạt, lập biên bản. Khi chúng tôi hỏi đến hoàn cảnh gia đình, anh Xanh bật khóc giữa đường.

Anh nói quê tận tỉnh Bến Tre, nghèo quá nên lên TP.HCM thuê trọ lập nghiệp, rồi lấy vợ sinh ra hai đứa con. Từ khi có gia đình cuộc sống càng trở nên vất vả.

Bị CSGT thổi phạt, anh Nguyễn Quang Xanh khóc than hoàn cảnh - Ảnh: SƠN BÌNH
Bị CSGT thổi phạt, anh Nguyễn Quang Xanh khóc than hoàn cảnh - Ảnh: SƠN BÌNH

Không có công ăn việc làm nên anh mượn tiền mua xe ba gác chở dừa đi bán. “Mỗi ngày kiếm hơn 100.000 đồng, bị bắt coi như mấy ngày tới chưa biết lấy gì nuôi con”, anh Xanh khóc, nói.

Hỏi anh Xanh có biết chạy xe như vậy là vi phạm pháp luật, anh Xanh nói biết rất rõ nhưng thấy nhiều người cũng chạy ngoài đường nên anh cũng làm theo.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Hậu, 36 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, thì lớn tiếng lại CSGT. Anh Hậu nói nhà khó nghèo nên lên TP.HCM lập nghiệp nuôi vợ con.

Khi anh Hậu lái xe máy cà tang nối thùng xe chở thuê hàng hóa thì bị CSGT thổi phạt. Không như những người khác, anh Hậu lớn tiếng giữa đường về cuộc đời của những người nghèo.

“Tôi biết sai nhưng tôi phải chạy để nuôi vợ con. Các ông đi xe hơi đời mới sao không nhìn xuống cho tụi dân nghèo chúng tôi. Phạt thì phạt đi nhưng phải nghĩ ra cách gì cho chúng tôi sống với, giờ biết làm cái gì bây giờ”, anh Hậu nói.

Nhiều trường hợp bị CSGT thổi phạt, người lái xe thô sơ ba bánh chở hàng cồng kềnh cũng móc điện thoại cho chủ doanh nghiệp (thuê họ chở) để “tìm cách giải quyết”.

Khi bị thổi phạt chở sắt thép dài quá khổ nguy hiểm, anh Tăng Văn Cầu Em, 31 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, giải thích rằng giá trị hàng hóa hơn 1 triệu đồng, thuê xe tải thì chủ doanh nghiệp làm sao có lời nên mới thuê anh cho giá rẻ khi chỉ 150.000 - 200.000 đồng/chuyến. Nói đoạn anh điện thoại nhờ chủ doanh nghiệp hướng dẫn “cách giải quyết”.

Anh Tống Đức Hanh lái xe ba gác chở quá khổ bị CSGT lập biên bản - Ảnh: SƠN BÌNH
Anh Tống Đức Hanh lái xe ba gác chở quá khổ bị CSGT lập biên bản - Ảnh: SƠN BÌNH

Phải có chính sách cho dân nghèo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Nguyễn Đoàn Phúc, phó đội trưởng đội CSGT Bình Triệu, cho biết địa bàn có nhiều loại xe thô sơ đi qua nên từ tháng 5 đến nay, riêng đội CSGT Bình Triệu ra quân xử phạt 218 vụ (trong đó có 42 xe bị giam giữ) do vi phạm liên quan đến xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ vi phạm pháp luật khi chở hàng cồng kềnh, đi vào đường cấm.

Theo thiếu tá Phúc, những phương tiện thô sơ chở hàng hóa công kềnh sẽ bị phạt 350.000 đồng, ngoài ra xe tự lắp rắp, không giấy tờ liên quan nên tổng mức phạt rất cao. Tuy nhiên mức phạt cao chưa đủ sức răn đe bởi phần lớn người sử dụng là lao động khó nghèo, chỉ biết bám vào những phương tiện này mưu sinh.

“Nhiều trường hợp bị thổi phạt, người lao động khóc lóc van xin nên đôi lúc CSGT đã thông cảm cho qua. Nhưng để tránh những tai nạn đáng tiếc, chúng tôi phải kiên quyết xử lý”, thiếu tá Phúc nói.

Xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ - Ảnh: SƠN BÌNH
Xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ - Ảnh: SƠN BÌNH

Cũng theo thiếu tá Phúc, trong quá trình xử lý vi phạm đối với những phương tiện này, CSGT gặp không ít trường hợp nhiều doanh nghiệp kinh doanh cũng liên quan. Bởi họ biết người nghèo mưu sinh xe thô sơ không đạt chuẩn, xe không được phép lưu hành nhưng vẫn thuê để vận chuyển hàng hóa cho giảm chi phí.

Tuy nhiên những trường hợp như vậy rất khó chứng minh để có thể xem xét xử phạt liên quan đối với những chủ doanh nghiệp đó.

Trong khi đó, trung tá Huỳnh Trung Phong, phó phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP.HCM, cho biết trong công tác xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện này còn những khó khăn trở ngại xuất phát từ ý thức, điều kiện và nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các loại xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ để chở hàng hóa.

Phần lớn người dân nghèo lái xe thô sơ mưu sinh - Ảnh: SƠN BÌNH
Phần lớn người dân nghèo lái xe thô sơ mưu sinh - Ảnh: SƠN BÌNH

 

Mức xử phạt

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, căn cứ nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt như sau:

-Phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1- 3 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

-Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm; người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

-Phạt tiền từ 800.000  - 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm như thay đổi khung, máy, hình dạng, kích thước xe.

-Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng đối với xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm điều khiển xe đi vào đường cấm, khu vực cấm.

 

CSGT xử phạt nên dừng xe trước chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: SƠN BÌNH
Sợ CSGT xử phạt nên dừng xe trước chợ đầu mối Thủ Đức "tạm né" - Ảnh: SƠN BÌNH
SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên