07/12/2019 10:52 GMT+7

Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ vừa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Phật viện Đồng Dương - Ảnh: LÊ TRUNG

Sáng 7-12, UBND huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Phật viện này nằm ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình.

Theo nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Vương quốc Chămpa rất sớm, vào khoảng những thế kỷ đầu công nguyên. Phật viện Đồng Dương là trung tâm kiến trúc Phật giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Chămpa.

Nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II (Vương quốc Chămpa) xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara.

Bia ký còn ghi lại cho biết vào năm 875 do lòng tin vào Phật giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khoa học Pháp đã khai quật được hàng trăm tác phẩm điêu khắc vô giá, phần lớn đang được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện.

Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m là đề tài nghiên cứu khá lý thú được các nhà khoa học đưa ra đoán định vì bởi theo nhận định chung bức tượng này được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

UBND huyện Thăng Bình đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương - Ảnh: LÊ TRUNG

Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương. Cuộc khai quật này đã thu hút các nhà nghiên cứu tìm về, đồng thời đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Theo khảo tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m.

Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, xung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.

Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói lợp các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.

Đáng tiếc là khu di tích quan trọng này đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, hiện nay chỉ còn mảng tường tháp được nhân dân gọi là Tháp Sáng cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp.

Mặc dù đã trở thành phế tích, song dưới lòng đất của Đồng Dương vẫn còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử.

'Âm vang Chămpa' đoạt giải nhất "Âm vang Chămpa" đoạt giải nhất

TTO - Ban tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Ninh Thuận - Điểm đến tương lai” đã nhận được 313 tác phẩm tham dự của 50 tác giả trong nước. Ngày 14-4, ban tổ chức cho biết, kết quả tác phẩm “Âm vang Chămpa” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Liêm (tỉnh Lâm Đồng) đạt giải nhất; ngoài ra ban tổ chức còn trao các giải nhì, ba và khuyến khích.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên