22/10/2018 15:50 GMT+7

Phạt tù 9 bị cáo phá 64ha rừng ở Bình Định

DUY THANH
DUY THANH

TTO - 9 bị cáo đã phá hơn 64ha rừng, trong đó có 25,9ha rừng phòng hộ, gây thiệt hại gần 4,8 tỉ đồng. Đây là vụ phá rừng với diện tích đặc biệt lớn ở Bình Định từ trước đến nay.

Phạt tù 9 bị cáo phá 64ha rừng ở Bình Định - Ảnh 1.

9 bị cáo - Ảnh: DUY THANH

Ngày 22-10, TAND tỉnh Bình Định mở lại phiên tòa sơ thẩm, xét xử 9 bị cáo bị truy tố tội "hủy hoại rừng" xảy ra tại tiểu khu 1 thuộc quản lý của UBND xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định).

Phá từ rừng phòng hộ đến rừng sản xuất

Bản án xác định trong thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 8-2017, có 3 nhóm và 1 cá nhân, tổng cộng 9 người, tổ chức phá hơn 64ha rừng, trong đó có 25,9ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất.

Nhóm phá rừng thứ nhất do Lê Văn Thiệt (56 tuổi - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, trụ sở chính ở TP Quy Nhơn, Bình Định) cầm đầu, chỉ đạo Nguyễn Văn Ri (43 tuổi, là đội trưởng đội xe máy của Công ty Thương Thảo) thuê nhân công chặt phá tổng diện tích hơn 37,5ha là rừng sản xuất, giá trị thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng. Ông Thiệt bị phạt nặng nhất với 12 năm tù, ông Ri bị phạt 11 năm tù.

Nhóm thứ hai gồm Võ Dần (69 tuổi), Lê Hồng Đức (41 tuổi), Lê Xuân Hậu (32 tuổi), Nguyễn Nguyên Thực (34 tuổi) tất cả cùng ở huyện Hoài Nhơn đã góp tiền thuê người phá gần 17,8ha rừng phòng hộ, giá trị thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng. Hậu bị phạt 10 năm tù, Đức 9 năm, Dần và Thực cùng 8 năm tù.

Phạt tù 9 bị cáo phá 64ha rừng ở Bình Định - Ảnh 2.

Một góc rừng ở tiểu khu 1, xã An Hưng bị tàn phá - Ảnh: VĨNH NHÂN

Nhóm thứ ba gồm Văn Ngọc Triển (49 tuổi) và Nguyễn Cứ (54 tuổi) cả hai cùng ở huyện Hoài Nhơn phá gần 7ha rừng, trong đó hơn 6,2ha rừng phòng hộ, gây thiệt hại hơn 714 triệu đồng. Triển và Cứ cùng bị phạt 8 năm tù.

Riêng bị cáo Phan Dễ (58 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn, là người được bị cáo Thiệt thuê giữ rừng) bị phạt 7 năm tù do tự phá 1,85ha rừng, giá trị thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gần 4,8 tỉ đồng cho UBND xã An Hưng.

Xử theo cáo trạng cũ

Phiên tòa sơ thẩm vụ án này được TAND tỉnh Bình Định đưa ra xét xử lần đầu ngày 24-7, nhưng tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lý do trả hồ sơ là tòa chấp nhận khiếu nại của các bị cáo và luật sư của họ khi cho rằng cơ quan điều tra chưa cho họ tham gia quá trình xác định diện tích rừng bị phá, đồng thời việc phá rừng diễn ra từ năm 2015 đến năm 2017, nhưng cơ quan định giá xác định mức giá 2018 là chưa đảm bảo chính xác về giá trị thiệt hại.

Tại phiên tòa mở lại này, Viện KSND tỉnh Bình Định cho rằng kết quả điều tra lại không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên vẫn giữ nguyên cáo trạng cũ để truy tố các bị cáo.

Tuy nhiên các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì những yêu cầu trước đây của tòa khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung không được cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Bình Định thực hiện.

Phạt tù 9 bị cáo phá 64ha rừng ở Bình Định - Ảnh 3.

Luật sư Bùi Văn Phi cho rằng vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên cần tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung - Ảnh: DUY THANH

"Không đưa các bị cáo đến hiện trường thì cơ quan điều tra dựa vào đâu để đo đạc chính xác ranh giới, diện tích rừng được cho là bị phá?" - luật sư đặt vấn đề.

Tuy vậy, vị công tố viên nói rằng không nhất thiết vụ án nào cũng phải đưa bị cáo đến hiện trường. Đối với diện tích rừng lớn, chỉ cần sử dụng phương tiện hiện đại để đo đạc là chính xác.

Riêng về giá trị tài sản thiệt hại, các bị cáo cho rằng mức áp giá quá cao vì rừng họ chặt toàn cây nhỏ, không có cây lớn. Nhưng Hội đồng định giá tài sản lại cho rằng từ năm 2015 đến tháng 3-2018 không có biến động lớn đối với các yếu tố chi phí cấu thành giá rừng, nên giữ nguyên giá trị định giá trước đó.

Phạt tù 9 bị cáo phá 64ha rừng ở Bình Định - Ảnh 4.

Bị cáo Lê Văn Thiệt sau phiên xét xử - Ảnh: DUY THANH

HĐXX nhận định rằng: tại phiên tòa toàn bộ các bị cáo không có ý kiến gì về kết quả điều tra lại cũng như thống nhất với nội dung cáo trạng. Tòa đã trả hồ sơ và Viện KSND tỉnh Bình Định có tổ chức điều tra lại nhưng kết quả không thay đổi nên tòa không trả lại hồ sơ lần nữa. Do vậy, tòa tuyên phạt các bị cáo với mức án nêu trên.

Nhiều người có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng không hoặc chưa xử lý

Trong bản án, chủ tọa phiên tòa cũng nêu rõ quá trình xem xét hồ sơ vụ án, tòa nhận thấy bà Hồ Thị Thùy Linh – phó tổng giám đốc Công ty Thương Thảo và Lê Đức Thảo (là vợ và con của bị cáo Thiệt), Đoàn Xa - quản đốc xưởng của Nhà máy dăm Tường Sơn thuộc Công ty Thương Thảo - có dấu hiệu phạm tội "che giấu tội phạm". Tuy nhiên, do cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự nên tòa không xem xét.

Các cán bộ kiểm lâm Nguyễn Trọng Tài, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Độ, Võ Đức Thắng có dấu hiệu phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", được xem xét trong một vụ riêng.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên