Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Và hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết dù đây là mục tiêu rất tham vọng nhưng sẽ là nền tảng căn bản để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước và đóng góp cho mục tiêu toàn cầu về môi trường và khí hậu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hướng tới phát triển xanh về tổng thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn và lợi ích hơn cho mọi người dân và doanh nghiệp”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Mục tiêu kỳ vọng nhưng sống còn
* Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi tháng 11-2021, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero). Đây được đánh giá là mục tiêu đầy tham vọng. Vậy tại sao chúng ta lựa chọn để thực hiện cam kết này, thưa bộ trưởng?
- Đây là một câu hỏi rất hay và có lẽ nhiều người dân cũng mong muốn biết điều này.
Trước hết, chúng ta cần làm rõ bối cảnh của mục tiêu net zero. Thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kép: tài nguyên thiên thiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan và khó dự báo, môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm, các hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy giảm chạm ngưỡng không thể đảo ngược.
Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai.
Đó là lý do tại sao tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về giảm khí thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo để đạt mục tiêu net zero.
Đây là mục tiêu rất tham vọng nhưng là mục tiêu sống còn. Để thực hiện mục tiêu này, đối với Việt Nam có nhiều khó khăn bởi vì xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn nhiều do trải qua thời gian dài chiến tranh. Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, nhu cầu tài nguyên, năng lượng vì vậy cũng sẽ rất cao.
Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích kép từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đưa đất nước ta theo con đường xanh, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời mang lại cho chúng ta lợi ích trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Mục tiêu net zero và chuyển đổi năng lượng đã và đang hình thành nên "luật chơi mới" về thương mại và đầu tư, chẳng hạn như tới đây, các thị trường nhập khẩu quan trọng áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn hay các định chế tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế sẽ ngừng tài trợ tài chính cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nếu chúng ta đi ngược dòng chảy này, chúng ta sẽ khó khăn trong tiếp cận tài chính. Tôi lấy ví dụ các định chế tài chính sẽ dừng cho vay để thực hiện các dự án điện than, nhiệt điện… Các hàng rào kỹ thuật mới sẽ dẫn đến các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta gặp khó khăn trong xâm nhập vào các thị trường… Sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ suy giảm mạnh.
Đặc biệt, chúng ta đạt được lợi ích rất lớn là bảo vệ được môi trường sống cho nhân dân cũng như giảm đi các gánh nặng về đầu tư cho việc giải quyết các vấn đề về môi trường.
Với tầm nhìn thời đại và việc cân nhắc rất kỹ của Bộ Chính trị, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết, thể hiện trách nhiệm của chúng ta cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Có thể nói đây là quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường xanh, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
* Nhưng để làm được mục tiêu đầy tham vọng đó không đơn giản. Theo ông, những ngành, lĩnh vực nào phải thay đổi và có tiềm năng khi thực hiện các cam kết tại COP26?
- Việc thực hiện mục tiêu net zero vào 2050 sẽ tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực và toàn xã hội. Đặc biệt, các ngành và lĩnh vực phát thải khí nhà kính như giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và năng lượng cần phải thực hiện thay đổi và đều phải có kế hoạch và biện pháp rõ ràng.
Chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng sẽ phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo. Việc thực hiện sẽ rất khó khăn bởi cần có sự đầu tư lớn về công nghệ, tài chính, phát triển nguồn nhân lực và quản trị.
Tuy nhiên, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, và nếu chúng ta quan tâm, thúc đẩy, có các cơ chế phù hợp thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư, công nghệ, huy động nguồn vốn, tài chính xanh thì việc chuyển đổi năng lượng cũng sẽ thuận lợi hơn.
Hay như giảm phát thải khí methane. Đây là khí nhà kính có tiềm năng gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu gấp hàng chục lần so với CO2, phát sinh từ chăn nuôi, trồng trọt, từ các hoạt động khai thác than…
Chúng ta có thể giảm phát thải khí methane thông qua việc quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, thu gom khí methane trong các hoạt động khai thác than, dầu khí và từ các bãi thải như một loại năng lượng.
Làm được như vậy chúng ta không chỉ giảm phát thải mà còn thu được nguồn năng lượng hiệu quả. Điều này cho thấy có lĩnh vực chỉ cần chúng ta có nhận thức đúng đắn, có kiến thức đầy đủ thì có thể giảm phát thải, tạo ra những giá trị mới cho kinh tế.
Trong lĩnh vực giao thông, nếu đến năm 2030 mới khuyến khích thay thế xe cộ sử dụng nguyên liệu hóa thạch, xăng sang xe điện cũng là chậm.
Chúng ta cần chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang chạy bằng điện và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, hay sử dụng công nghệ hydro, amoniac xanh đưa vào phương tiện giao thông xanh.
Để thực hiện mục tiêu net zero, bên cạnh nỗ lực giảm phát thải, chúng ta có lợi thế áp dụng cơ chế hấp thụ. Việt Nam có lợi thế với độ che phủ rừng cao.
Chúng ta cũng đang hướng tới trồng 1 tỉ cây xanh và sẽ trồng nhiều cây xanh hơn nữa để xanh hóa, thực hiện chủ trương của Liên Hiệp Quốc phát động về một thập niên phục hồi tự nhiên, tức là trồng lại rừng, tái tạo rừng, bảo vệ rừng tự nhiên. Đây cũng là cách thức để chúng ta có thể tạo ra nguồn tài chính thông qua các thị trường tín chỉ carbon, tạo nên một ngành kinh tế mới.
Vì vậy mặc dù thực hiện mục tiêu net zero là khó khăn, nhưng nếu có giải pháp tổng thể, toàn diện với cách tiếp cận toàn dân để mỗi người dân, chủ thể cùng tham gia, chung tay thực hiện, từ những hành động nhỏ nhất và với cách tiếp cận toàn cầu với sự tham gia của tất cả các quốc gia, chúng ta có thể chuyển hóa khó khăn này thành các cơ hội phát triển.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh
* Như bộ trưởng nói là dù thực hiện chính sách nào thì người dân vẫn là trung tâm, chủ thể. Với cam kết COP26, vai trò của người dân trong thực hiện những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra là gì, đặc biệt là từ những hành động nhỏ nhất, đời thường nhất?
- Người dân vừa là người tiêu dùng, vừa là người tham gia vào quá trình sản xuất. Vì vậy mỗi quyết định sản xuất hay lựa chọn tiêu dùng của người dân, dù là nhỏ nhất, sẽ đóng vai trò quyết định đối với quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế và xã hội. Khi nhận thức của người dân đầy đủ thì người dân sẽ quyết định tiêu chí phát triển của xã hội.
Chẳng hạn như vấn đề rác thải, khi người dân có ý thức và trách nhiệm trong phân loại rác thải, việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường sẽ đạt hiệu quả.
Hoặc là giữa hai sản phẩm, một sản phẩm đạt tiêu chí xanh, một sản phẩm không đạt tiêu chí xanh, nếu người dân có nhận thức rằng lựa chọn xanh là lựa chọn cho xã hội, lựa chọn cho chính mình, lựa chọn cho tương lai thì lúc đó chuyển đổi xanh mới thành công.
* Hướng tới tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển xanh bền vững luôn là điều ai cũng mong muốn. Nhưng ông có nghĩ rằng chi phí mà nền kinh tế hay người dân phải chi trả sẽ rất lớn và rõ ràng với năng lực hiện nay của nền kinh tế sẽ khó đáp ứng?
- Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định "đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân".
Cần phải thấy rằng mọi quá trình chuyển đổi sẽ đều gặp khó khăn ban đầu, nhất là phải thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi mô hình tăng trưởng vốn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên vốn đã ăn sâu hàng thập niên qua sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững.
Chúng ta có thể thấy trong ngắn hạn việc đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là một thách thức đối với doanh nghiệp; chi phí cho tiêu dùng xanh ban đầu có thể sẽ cao đối với mặt bằng chung của xã hội; tham gia chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn và công nghệ.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận ở góc độ dài hạn với những lợi ích tổng hợp từ quá trình đầu tư và chuyển đổi này như tôi đã phân tích.
Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hướng tới phát triển xanh về tổng thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn và lợi ích hơn cho mọi người dân và doanh nghiệp. Bằng nhận thức và trách nhiệm, mỗi người dân cũng đều đóng góp cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Ví dụ bằng việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, không sử dụng chất thải nhựa, đồ dùng một lần mà chuyển sang sử dụng đồ dùng nhiều lần…, mỗi người dân đã tham gia vào quá trình chuyển đổi, chuyển sang lối sống xanh hướng tới xây dựng xã hội xanh.
Hoặc chuyển đổi xanh có nghĩa là chúng ta sẽ hạn chế sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng cũng chính là chuyển đổi xanh, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Việc thay đổi thói quen, phương thức quản lý sẽ giúp chúng ta thực hiện quá trình chuyển đổi mà không đòi hỏi phải tốn nhiều chi phí.
Và như vậy, trên thực tế nhiều hành động chuyển đổi xanh mang lại lợi ích kép để ứng phó biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế chứ không phải chỉ là câu chuyện chi phí.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng quá trình chuyển đổi xanh này là xu thế chung dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Vì vậy, chúng ta cũng cần phải thực hiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để chúng ta sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả nhất thông qua kéo dài vòng đời của các sản phẩm, qua đó chúng ta sẽ giảm được việc khai thác tài nguyên tự nhiên phục vụ sản xuất vật chất và giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển tài nguyên số, kinh tế số để từng bước thay thế cho tài nguyên thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội.
Có như vậy chúng ta mới có một xã hội không chất thải, nước thải, khí thải, thân thiện với môi trường và khí hậu, qua đó chúng ta mới có thể để lại cho các thế hệ tương lai một Trái đất bền vững.
Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi từ sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tài nguyên số, việc ứng dụng các thành tựu như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, blockchain… giúp quản lý và quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả hơn.
Chúng ta chỉ có thể chuyển đổi thành công khi thúc đẩy khoa học, công nghệ và lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp trong quá trình chuyển đổi.
Ông Hoàng Văn Tâm (phó chánh văn phòng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công thương):
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng năng lượng tiết kiệm
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; Đề án các nhiệm vụ giải pháp thực hiện kết quả COP26; Kế hoạch giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030.
Bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng carbon thấp như hỗ trợ kỹ thuật triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn và thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận