18/04/2019 13:48 GMT+7

Phát triển văn hóa đọc nhìn từ thư viện trường học

TRƯƠNG CẢNH LINH
TRƯƠNG CẢNH LINH

TTO - Các trường học đang đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4. Để văn hóa đọc trong nhà trường trở nên thực chất, bài viết này chia sẻ một số ý kiến nhìn từ hệ thống thư viện trường học hiện nay.

Phát triển văn hóa đọc nhìn từ thư viện trường học - Ảnh 1.

Học sinh đang hào hứng tham gia một tiết đọc thư viện tại một trường ở Tây Ninh - Ảnh: Room To Read

Thư viện trường học đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Tuy nhiên, việc vận hành thư viện hiện vẫn đang tập trung vào các yếu tố như cơ sở vật chất, sách, hướng dẫn nghiệp vụ... nhiều hơn là tập trung vào đối tượng sử dụng nó - đó là người đọc.

Thư viện không chỉ là không gian đọc sách

Trước hết, đối với thư viện, cách mà chúng ta nhìn về thư viện và vận hành thư viện trong bối cảnh hiện nay (học sinh đến đọc sách hoặc mượn sách về nhà) đã không còn phù hợp vì nó quá đơn điệu và dễ gây nhàm chán. 

Một thư viện cho dù có trang trí đẹp đẽ đến đâu nhưng nếu thiếu sách mới và hoạt động đi kèm thì cũng chỉ thu hút bạn đọc trong thời gian đầu. 

Thư viện không chỉ là không gian đọc sách mà còn là không gian mở để học sinh có thể chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, là nơi mà các em có thể hình thành và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, phát triển các kỹ năng khác như viết vẽ, tìm hiểu và tra cứu thông tin...

Thư viện cũng cần được kết nối chặt chẽ với chương trình học để bổ trợ cho việc học của học sinh được tốt hơn. Thông qua các hoạt động tại thư viện, các em sẽ có được những trải nghiệm thú vị nhằm bổ sung tốt hơn cho chương trình học chính khóa. 

Như vậy, để đảm bảo những yêu cầu này, một thư viện cần có ba trụ cột: cơ sở vật chất (bao gồm cả trang thiết bị), sách và hoạt động thư viện, trong đó sách và hoạt động thư viện phải luôn được đầu tư, bổ sung, cập nhật và đa dạng.

Không xem nhẹ vai trò của cán bộ thư viện

Vấn đề cần tháo gỡ thứ hai là vai trò của cán bộ thư viện. Vai trò này hiện chưa được nhìn nhận đúng, khá nhiều trường giáo viên phải kiêm nhiệm làm cán bộ thư viện, chế độ đãi ngộ thấp hơn so với giáo viên đứng lớp, một số người bị kỷ luật cũng được đưa về làm thư viện... 

Thư viện không thể vận hành tốt với những cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều việc, những cán bộ mà chỉ xem thư viện như "trạm dừng chân" trong khi chờ sắp xếp công việc, hoặc những nhân viên chọn thư viện vì những lý do nào đó mà họ không thể đứng lớp. 

Tư duy xem nhẹ vai trò của người cán bộ thư viện cần phải được gạt bỏ ra khỏi suy nghĩ của những nhà quản lý mới có thể giúp cán bộ thư viện yên tâm làm việc và thư viện hoạt động hiệu quả.

Tháo gỡ những vấn đề trên, các nhà hoạch định chính sách mới có thể thiết kế lại hệ thống chính sách về thư viện phù hợp với bối cảnh hiện nay, để thư viện thực sự là nơi giúp học sinh hình thành thói quen đọc và hướng đến việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Hiệu quả hoạt động của thư viện sẽ giảm đi, thói quen đọc của các em sẽ khó được xây dựng và phát triển nếu không có sự tham gia tích cực và hiệu quả từ phía gia đình. Thực tế là gia đình rất ít tham gia hoạt động thư viện mà một số trường học tổ chức như ngày hội đọc sách, đọc sách cùng con…
Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tổ chức quy mô toàn quốc

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) phối hợp tổ chức.

TRƯƠNG CẢNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên