Theo đó, TP.HCM được xác định là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực. Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang), TP.HCM được định hướng phát triển là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại đồng bộ ngang tầm với các TP trong khu vực.
Để đạt những mục tiêu trên, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 của TP.HCM phải đạt 10-10,5%, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,5-10% và giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9%. GDP đầu người đến năm 2015 đạt 4.856-4.967 USD và đến năm 2025 đạt 13.340-14.285 USD. Về cơ sở hạ tầng đô thị, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm bao gồm Q.1, Q.3, một phần Q.4, Q.Bình Thạnh và khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ phát triển mở rộng theo hai hướng. Một là hướng đông kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc phát triển các khu đô thị mới theo hướng phát triển này được xác định nằm dọc tuyến xa lộ Hà Nội. Đối với hướng phát triển thứ hai là hướng nam, TP.HCM với chủ trương tiến ra biển, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước và hành lang phát triển của hướng này là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối đến cảng Hiệp Phước (Nhà Bè).
Cũng theo quy hoạch trên, trong giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm, đường vành đai. Trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, quốc lộ 50, xây dựng bốn tuyến đường trên cao liên thông với nhau, ưu tiên phát triển các bãi đậu xe ngầm... Đối với đường sắt, TP.HCM từng bước đầu tư hoàn chỉnh đường sắt đô thị - kết nối với đường sắt quốc gia bao gồm: bảy tuyến metro xuyên tâm nối các trung tâm chính của TP, phát triển ba tuyến xe điện mặt đất. Ngoài ra, TP.HCM sẽ cải tạo nâng công suất cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 20 triệu lượt khách/năm... Để phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, TP.HCM cần vốn đầu tư khổng lồ. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư cần 1,3-1,4 triệu tỉ đồng. Giai đoạn tiếp theo từ 2016-2020 là 2,7-3 triệu tỉ đồng và giai đoạn 2021-2025 lên đến 5-5,6 triệu tỉ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhận định: “Quy hoạch trên là hành lang pháp lý để TP cụ thể hóa việc phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới. TP cũng rất tự hào khi được Chính phủ xác định là đầu tàu của cả nước và khu vực”. Vì vậy, ông Quân yêu cầu các sở ngành, quận huyện triển khai quy hoạch này một cách nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn quy hoạch nào cần tập trung ưu tiên để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận