Việc ký kết hợp tác của hai đơn vị được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu giảm gánh nặng kép của các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm sinh học trong nước.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và AstraZeneca ký kết hợp tác trong 3 năm, nội dung ký kết đẩy mạnh các chương trình liên kết nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong các lĩnh vực ung bướu, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, thận và chuyển hóa, miễn dịch và vắc xin. Đồng thời, hợp tác trong việc đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ người bệnh và tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Y tế, có đến 70% gánh nặng bệnh tật trong nước do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Trong đó, các bệnh như tim mạch, ung thư, thận, chuyển hóa, hô hấp và tiêu hóa lại có tỉ lệ gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, những nghiên cứu lâm sàng về các bệnh không lây nhiễm được hai bên ký kết kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.
Chia sẻ tại lễ ký kết, TS Nguyễn Ngô Quang - cục phó Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế - đánh giá cao những hợp tác quốc tế giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Thụy Điển trong nhiều năm qua.
TS Quang nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là những hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học công nghệ sẽ giúp người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học trên thế giới.
"Bệnh viện đa khoa Tâm Anh không chỉ đầu tư trong lĩnh vực khám, chữa bệnh mà còn quan tâm đầu tư cả hệ thống nghiên cứu. Trong khi đó, Tập đoàn AstraZeneca Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao hệ thống y tế, đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.
Chúng tôi rất kỳ vọng hợp tác song phương giữa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Công ty AstraZeneca sẽ đặt nền móng cho sự phát triển khoa học công nghệ ngành y tế, từ đó có thể phát triển các lĩnh vực khác", ông Quang nhấn mạnh.
Hướng tới nghiên cứu bệnh không lây nhiễm
Ông Nitin Kapoor, chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường mới nổi khu vực châu Á, cho biết AstraZeneca hiện là công ty dược phẩm dẫn đầu về nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam với gần 60 nghiên cứu đang được thực hiện tại hơn 50 bệnh viện đối tác và với hơn 4.000 bệnh nhân.
Hiện tại, Công ty AstraZeneca đang thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh hai thử nghiệm lâm sàng liệu pháp điều trị cho các bệnh hô hấp là bệnh suy hô hấp cấp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với sự tham gia của hơn 100 bệnh nhân. Thời gian tới, công ty sẽ phối hợp thực hiện một thử nghiệm lâm sàng nữa trong lĩnh vực vắc xin và miễn dịch.
Đại diện AstraZeneca cho hay rất nhiều loại thuốc, vắc xin thường được thử nghiệm lâm sàng tại các nước châu Âu, châu Mỹ bởi quy định của cơ quan y tế mỗi quốc gia. Trong khi đó, nhiều người dân châu Á ít có cơ hội tham gia thử nghiệm lâm sàng trong sản xuất thuốc, vắc xin.
Vì vậy, việc tăng cường thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam rất quan trọng. Bệnh nhân tham gia các thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam sẽ được tiếp cận với các phương pháp, phác đồ điều trị và theo dõi mới cùng đồng thời với bệnh nhân các nước trên thế giới. Từ đó sẽ đưa ra những kết quả nghiên cứu gần nhất với người dân sở tại, tăng khả năng đáp ứng, hiệu quả và an toàn của các loại thuốc, vắc xin mới, để người bệnh được nhận được sự điều trị phù hợp nhất.
Ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và hệ thống VNVC, cũng cho hay bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để cùng Tập đoàn AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng dược phẩm và vắc xin mới.
Ông Dũng khẳng định với nhiều kinh nghiệm sản xuất dược phẩm, khám chữa bệnh, tiêm chủng vắc xin, nghiên cứu khoa học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh tin rằng sẽ nhanh chóng đưa những loại thuốc, vắc xin chất lượng cao, thế hệ mới từ AstraZeneca đến người dân, người bệnh Việt Nam.
"Việc nghiên cứu sẽ đảm bảo an toàn, chất lượng, chi phí hợp lý, giúp người bệnh được bình đẳng tiếp cận dịch vụ sản phẩm y tế chất lượng, góp phần vào công tác nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng mới cho ngành y tế Việt Nam", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận