Đến năm 2025, huyện Hòa Vang dự kiến tỉ lệ đô thị hóa hơn 85%, với 80% các xã đủ điều kiện trở thành phường, hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang, hướng đến tiêu chí đô thị xanh.
Đó là mục tiêu cấp thiết được chỉ ra tại hội thảo khoa học "Đô thị mới Hòa Vang - Tầm nhìn và thách thức" do Ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 31-5.
Hòa Vang là huyện nằm trong đất liền duy nhất của Đà Nẵng, chiếm hơn 57% diện tích toàn thành phố Đà Nẵng.
Dự kiến đến năm 2025, khu vực đô thị hóa của huyện này phát triển thành 9 phường, gồm Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Khương. Ngoài ra còn có 2 xã là Hòa Phú và Hòa Bắc…
Định hướng phát triển đô thị của Hòa Vang trong quy hoạch chung đã được phê duyệt, với cấu trúc 3 vùng đô thị thì Hòa Vang bao gồm toàn bộ vùng sườn đồi và phần vùng lõi xanh. Đồng thời, vùng sinh thái phía tây cũng bao gồm toàn bộ Hòa Vang…
Ông Tô Văn Hùng, bí thư Huyện ủy Hòa Vang, nhìn nhận địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển đô thị khi là nơi có dư địa lớn nhất thành phố Đà Nẵng, có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, lá phổi xanh của thành phố.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là thách thức về suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm cảnh quan và cả sự đa dạng sinh học.
Ông Hùng đề xuất tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Hòa Vang cần phải gìn giữ sự đa dạng sinh học, thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên, đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan.
"Phát triển đô thị ở mức phù hợp với ngưỡng của môi trường. Mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Trước hết, quy mô dân số và phát triển kinh tế xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp ngưỡng của môi trường và tài nguyên thiên nhiên...", ông Hùng nói.
Tại hội thảo, nhiều mô hình phát triển đô thị mới Hòa Vang được đề xuất, trong đó có ý kiến đưa ra mô hình đô thị vệ tinh "thành phố trong thành phố" tương tự như thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Tránh phân lô "nhà ống" ở đô thị trung tâm
Để giữ gìn không gian đô thị trung tâm huyện, nhiều đại biểu cũng kiến nghị chính quyền huyện Hòa Vang cần hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ các lô đất, thửa đất theo mô hình "nhà ống".
Tại khu vực lõi trung tâm Hòa Vang cần chấm dứt ngay việc đầu tư, phát triển các dự án chia lô đất nền, nhà liền kề, mà phải hướng đến mô hình đô thị nén, phương thức ở cao tầng.
Riêng khu vực nông thôn, khu vực còn lại của Hòa Vang cần kiểm soát phát triển, giữ gìn hình thái không gian truyền thống, xác định khu vực sản xuất phù hợp và quản lý tốt các khu chức năng du lịch, các làng nghề trên địa bàn.
Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng hiện nay huyện Hòa Vang đang có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Huyện vừa là vùng đệm, vùng đất dự trữ, vùng sinh thái nông lâm nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố.
Đồng thời huyện Hòa Vang còn có khu công nghệ cao, nhiều dự án công nghiệp - dịch vụ, đầu mối các dự án hạ tầng kết nối…
Đây là những tiền đề, động lực để Hòa Vang phát triển nhanh các khu đô thị, tăng trưởng kinh tế để sớm đạt mục tiêu trở thành thị xã đô thị loại 3.
Ông Chính cho rằng việc phát triển đô thị Hòa Vang phải tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, đặc thù điều kiện địa hình tự nhiên và tài nguyên đất đai để tổ chức các vùng chức năng đô thị một cách hợp lý.
Trong đó cần kết hợp cải tạo tự nhiên với phòng tránh thiên tai, giữ gìn cảnh quan môi trường…
Hòa Vang còn quỹ đất lớn
Tính đến tháng 4-2024, huyện Hòa Vang có quỹ đất sạch gồm 74 khu đất lớn, thuộc 29 dự án. Ngoài ra, còn 72 khu đất thuộc 28 dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang đang hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng bổ sung vào quỹ đất sạch phục vụ kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án trên địa bàn thành phố.
Về đất tái định cư, huyện này còn hơn 4.488 lô đất trống trong tổng số hơn 20.000 lô đất trên toàn địa bàn thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận