Ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, và bà Nguyễn thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM bên lề hội nghị liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc - Ảnh: N.BÌNH
Ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng sự chuyển dịch từ nhận thức chỉ xem văn hoá là một bộ phận của nền kinh tế, sang nhận thức văn hoá đóng vai trò là sợi dây liên kết các mặt của xã hội, kinh tế và môi trường, sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam bền vững hơn.
Trao đổi thêm về phát triển du lịch bền vững của các địa phương đang sở hữu di sản, văn hoá truyền thống phong phú, ông Michael Croft, nói:
- Cách đây 2 tuần, tôi có dịp ghé thăm huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh để tham dự lễ hội văn hóa Hội mùa vàng, được tổ chức lần đầu tiên ở Bình Liêu. Tôi được tham gia vào lễ cưới của một cặp đôi người dân tộc Sán Chỉ, và hòa mình vào lễ hội Lễ cầu mùa của cộng đồng người Sán Chỉ ở trên đồi.
Tôi tham quan một mô hình homestay và khởi nghiệp trong lĩnh vực trang trại trồng hoa ở bản Sông Moóc. Tại đây, tất cả nhân viên làm việc đều là người dân tộc thiểu số.
Kết quả của những hành động quyết đoán của tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa và ngành du lịch địa phương đã cho chúng ta một số gợi ý trong chặng đường phía trước.
* Câu chuyện phát triển du lịch Bình Liêu đã gợi lên cho ông suy nghĩ gì?
- Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp nhiều cho văn hoá Việt Nam. Du lịch ở đây dựa trên du lịch cộng đồng gắn với đời sống người dân. Khách du lịch được trải nghiệm những hoạt động quen thuộc của người địa phương, chứ người dân không phải thay đổi để làm hài lòng du khách.
Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá của người bản địa, tránh được cách làm làm mai một giá trị truyền thống ở nhiều nơi khác. Tôi nghĩ đây là mô hình hay khi phát triển du lịch.
* Thời gian tới, UNESCO có kế hoạch gì để cùng các địa phương phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá di sản?
- Đây là công việc, nhiệm vụ chính của UNESCO không chỉ với những tỉnh có di sản được UNESCO ghi danh như Quảng Ninh hay các tỉnh miền Trung... mà chúng tôi đồng hành với mọi tỉnh, thành để phát triển du lịch bền vững. Nhiều địa phương trước đây phát triển du lịch đại trà, khách du lịch đến luôn cảm thấy khó chịu. Sự phát triển nóng cũng tác động môi trường, văn hoá, cộng đồng địa phương.
Nhưng dịch COVID-19 hiện nay có thể là cơ hội để các địa phương Việt Nam hiểu mình đang muốn phát triển du lịch như thế nào. Đây cũng là thời cơ để chúng tôi cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam, đối tác, doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy du lịch bền vững, hướng đến các giá trị di sản văn hoá, cộng đồng.
Chúng tôi mong muốn du lịch thúc đẩy sang một hướng mới, lấy giá trị di sản, văn hoá cộng đồng làm giá trị cốt lõi để phát triển du lịch bền vững.
Các địa phương ở Tây Bắc, Đông Bắc hay miền Trung đang sở hữu những văn hoá, di sản có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng không nhất thiết các tỉnh này phải phát triển du lịch đại trà. Chúng ta có thể xây dựng các mô hình phát triển hướng đến giá trị di sản văn hoá, di sản văn hoá coi trọng vai trò cộng đồng.
Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên gìn giữ văn hoá bản địa, di sản là cách phát triển bền vững - Ảnh: N.BÌNH
* Theo ông, dịch COVID-19 đã thay đổi cách đi du lịch của người dân như thế nào?
- Ngoài việc giảm mạnh số lượng du khách và suy thoái toàn cầu ngăn cản cho sự phục hồi nhanh chóng, đây còn là lúc chúng ta nhìn lại, cần cẩn trọng trong việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đại chúng như một hình thức phát triển.
Trong bối cảnh mới, thói quen thị hiếu của du khách đã thay đổi rất nhiều, người ta không muốn đi đến những nơi du lịch đông đúc nữa, mà tận hưởng các dịch vụ về với thiên nhiên, mang tính riêng tư cao.
Cân bằng là con đường mà các địa phương phải tính đến bằng cách phát triển thêm những điểm đến vệ tinh, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Điều này giúp giảm áp lực cho những điểm đến quen thuộc, đồng thời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các địa phương khác. Nhưng điều quan trọng mà tôi lưu ý các địa phương phải có sự hỗ trợ phát triển du lịch từng bước, tôn trọng môi trường và di sản văn hóa địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận