15/06/2019 15:39 GMT+7

Phát triển đô thị: Chính sách một đường, thị trường một nẻo

PHƯỚC  TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng phát triển đô thị là bài toán động, chúng ta không có định hướng thì rất khó thực hiện. Hãy đặt con người làm trọng tâm trong quá trình đô thị hóa, dựa vào thị trường để "nắn dòng" phát triển đô thị.

Phát triển đô thị: Chính sách một đường, thị trường một nẻo - Ảnh 1.

Đô thị TP.HCM phát triển nhanh nhưng hạ tầng chưa đáp ứng kịp khiến tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Sáng 15-6, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2020 - 2025.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển đô thị là bài toán động, chúng ta không có định hướng thì rất khó thực hiện. Hãy đặt con người làm trọng tâm trong quá trình đô thị hóa.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng thực ra việc hình thành phát triển đô thị do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ thực hiện thêm 3 nhiệm vụ là xây dựng hạ tầng, quy hoạch đất, thu thuế và sử dụng đất.

Theo ông Du, hiện nay, các thành phố phát triển đô thị theo hiện trạng chính sách một đường và thị trường đi một nẻo khiến đô thị phát triển mất cân đối.

Ông Du dẫn chứng như tại TP.HCM, hiện nay bất cập nhất trong việc phát triển đô thị là chưa xây dựng được tối thiểu hệ thống giao thông công cộng.

Trong khi đó, ở các thành phố như Seoul của Hàn Quốc hay Thượng Hải của Trung Quốc không có bản đồ quy hoạch tốt nhưng hạ tầng giao thông công cộng "rất tốt", từ đó phát triển đô thị theo thị trường, xây dựng theo phương thức nắn dòng cho phù hợp.

"Ở nước ta, các thành phố quy hoạch đất rồi làm dự án lung tung các thứ. Nhiều dự án treo nhiều năm. Tôi cho rằng chính sách nên đơn giản để thị trường quyết định. Nhà nước chỉ cần "nắn dòng" theo thị trường để tạo ra đô thị như ta muốn. Chứ như TP.HCM năm 1993 định hướng phát triển hướng Đông Bắc, năm 2010 lại đổi hướng Nam và Đông Nam. Nếu cứ quy hoạch 15 - 20 năm bỏ thay đổi hướng như vậy thì đô thị phát triển khó bền vững", ông Du bày tỏ quan điểm.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhấn mạnh làm quy hoạch phải có tư duy thị trường.

"Chứ ta muốn quy hoạch cái này, muốn cái kia thì khó, chưa chắc làm được. Quan trọng là cách chúng ta tiếp cận thị trường, sau đó xây dựng đô thị theo hạt nhân con người", ông Cương nói.

Còn chuyên gia đô thị học, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên trưởng khoa đô thị học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận sau 30 năm qua, nước ta chủ yếu đô thị hóa theo chiều rộng, tốc độ nhanh và độ phủ không gian rộng. 

“Việc nôn nóng đẩy nhanh đô thị hóa và thu hẹp càng nhanh càng tốt tam nông, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như cạn kiệt tài nguyên. Vẫn còn thực trạng nhiều đô thị chạy đua thăng hạng từ thị trấn lên thị xã, thị xã lên thành phố…", ông Hòa nhận định.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên