23/12/2016 02:24 GMT+7

Phát triển ĐH ngoài công lập: Lo trước mắt hay tính lâu dài?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam” do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 22-12, được nhiều đại biểu đánh giá là “rất chất lượng”.

Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang năm 2016. Trường ĐH Văn Lang là một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang năm 2016. Trường ĐH Văn Lang là một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Dù đã được cởi trói nhiều về chính sách, thậm chí gần đây Bộ GD-ĐT còn đưa ra chủ trương bỏ điểm sàn tuyển sinh, đúng như mong mỏi hàng chục năm qua của các trường ngoài công lập, nhưng nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn cho rằng sự chật vật, khó khăn của từng trường nói riêng cũng như cả hệ thống ĐH nói chung có phần lỗi lớn do... Bộ GD-ĐT.

“Lỗi của bộ”?

Trong bài phát biểu dài đến 40 phút, GS Trần Phương - nguyên phó thủ tướng Chính phủ, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - nhiều lần nhắc cụm từ “lỗi của bộ” khi phân tích những yếu kém, bất cập của hệ thống giáo dục nói chung, những bất cập của ĐH ngoài công lập nói riêng.

Theo ông Phương, giáo dục phải do nhà giáo đứng đầu chứ không để cho người có tiền đứng đầu, quyết định số phận một trường ĐH.

“Tội của bộ là đưa ra quy định mà các trường ngoài công lập chỉ có thể hoạt động theo định hướng của một trường ĐH tư, vì lợi nhuận. Việc đưa ra quy chế hoạt động trường ngoài công lập biểu quyết theo trọng lượng vốn, sai từ lâu rồi. Bộ nên đưa ra hai quy chế, một là quy chế biểu quyết theo trọng lượng vốn, với trường ngoài công lập có nhà đầu tư; và hai là với những trường như chúng tôi, mỗi người góp vốn dù ít hay nhiều, 10 triệu hay 10 tỉ, thì cũng chỉ có một phiếu biểu quyết như nhau” - ông Phương nói.

Đồng tình với GS Trần Phương, nhiều đại biểu cho rằng những quy định khó hiểu của Bộ GD-ĐT đã ngăn các trường được hoạt động theo mô hình trường tư không vì lợi nhuận.

Hệ quả, như bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - phân tích trong bài tham luận gửi đến hội thảo, là một vài trường ĐH từ đầu vốn mong muốn đi theo hướng không vì lợi nhuận nhưng đã phải bất đắc dĩ hoạt động vì lợi nhuận, do không có hành lang pháp lý, sau đó muốn dựa vào văn bản pháp lý mới để chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận nhưng cũng không thành công. Kết quả là cho đến nay ở nước ta chưa hề có một trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận nào chính thức được thành lập.

Quy chế hoạt động trường tư thục, các thủ tục chuyển đổi từ trường dân lập sang tư thục, hay chuyển đổi sang trường không vì lợi nhuận... là vướng mắc chung được nhiều trường đề cập.

Sau hơn 10 năm đưa ra chủ trương và các quy định chuyển đổi trường dân lập sang tư thục, đến nay chỉ có năm trường hoàn tất thủ tục, còn lại chín trường ĐH ngoài công lập vẫn gắn biển tên trường dân lập, mà nếu bám sát vào các văn bản nhà nước thì gần như được xem là “hoạt động không trong khuôn khổ luật pháp”.

Bởi lẽ, các quy định pháp luật hiện hành đều quy định giáo dục ĐH chỉ có hai loại hình trường là ĐH công lập và ĐH tư thục, mà không có ĐH dân lập.

Chưa tập trung vào tầm nhìn chiến lược

“Đa số trường ngoài công lập chỉ tập trung vào một số hoạt động trước mắt, chưa tính đường hướng phát triển lâu dài. Vì gặp khó khăn trong tuyển sinh nên các trường không tập trung được vào những việc mang tính chiến lược” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định.

Ông Ga nhắc lại bất cập cụ thể của nhiều trường đã gây xáo trộn không nhỏ đến hệ thống, làm ảnh hưởng uy tín của chính các trường ngoài công lập. Trong điều hành, nhiều trường ngoài công lập, đặc biệt là dân lập, xuất hiện mâu thuẫn nội bộ kéo dài, ảnh hưởng uy tín các trường, làm cho tình hình tuyển sinh càng trở nên khó khăn hơn.

Về mô hình trường ngoài công lập, ông Ga cho rằng bằng mọi cách, các trường dân lập phải chuyển sang tư thục để “hoạt động hợp pháp”. Thực tế, các trường dân lập hiện không có văn bản pháp luật nào điều tiết hoạt động một cách chính thức, vì quy định của pháp luật không còn loại hình trường này.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết ủy ban đang đặt ra vấn đề xây dựng mô hình trường ĐH đúng nghĩa, không phân biệt trường công hay trường tư.

Theo đó, tự chủ được xem như một thuộc tính cơ bản của giáo dục ĐH, và nền giáo dục ĐH phải có hai cánh công lập và ngoài công lập thật sự cân đối như nhau.

Nên quản lý theo mô hình một thành viên

TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - đề xuất theo kinh nghiệm của ĐH FPT, để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường.

Đồng tình với ý tưởng này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đây là mô hình nhiều nước đã áp dụng và Bộ GD-ĐT cũng sẽ nghiên cứu kỹ mô hình này.

“Các trường muốn phát triển lâu dài thì nên quan tâm đến mô hình này. Như vậy, các vấn đề liên quan đến cổ đông, cổ tức sẽ thông qua công ty hay một tổ chức tài chính lo, còn trường chỉ chuyên tâm cho phát triển đào tạo. Chứ như hiện nay, các trường vừa phải lo đào tạo vừa lo tài chính, lại vừa phải tính toán để phân chia lợi nhuận, cổ tức...” - ông Ga nói.

Bỏ điểm sàn ĐH là rút ống thở với trường CĐ?

Ngay cả với quy định cởi trói tuyển sinh, bỏ điểm sàn vào ĐH - một động thái của bộ được dư luận cho là sẽ làm vừa lòng các trường ngoài công lập (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã nhiều lần đề xuất Bộ GD-ĐT phải bỏ điểm sàn, vì đó là cơ chế bất hợp lý, gây khó cho tuyển sinh, không phù hợp thông lệ quốc tế - PV), vẫn khiến một số trường không hài lòng.

Tại hội thảo, bà Trần Kim Phương - chủ tịch hội đồng quản trị Trường CĐ ASEAN - lại dẫn ra quy định trên như một ví dụ minh chứng cho việc bộ đưa ra “chính sách quá kém, không đi vào thực tế”, khiến trường CĐ càng trở nên teo tóp nguồn tuyển...

“Hiện nay, các trường CĐ phải chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Nhưng trước khi chuyển đi, các trường CĐ như chúng tôi đã bị bộ cắt thức ăn, rút ống thở thì làm sao tồn tại? Trường CĐ sắp bị tiêu hủy rồi” - bà Phương bức xúc nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên