TTCT - Sau hơn 40 năm đổi mới và bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, lĩnh vực sản xuất chế tạo hàng hóa xuất khẩu tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, từng là đầu tàu đưa cả nước tiến lên về mặt kinh tế, đang đứng trước nhiều thách thức. Một góc Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ảnh: TIẾN THẮNGLịch sử phát triển các khu công nghiệp ở Đông Nam Bộ sau ngày thống nhất đất nước ghi danh Khu chế xuất Tân Thuận là cái tên đầu tiên vào năm 1991. Nhưng cái tên đáng nhớ nhất thời điểm đấy - như sự khai sinh một ngành công nghiệp chế tạo lắp ráp đúng nghĩa, phải là VMEP với thương hiệu xe máy duy nhất lắp ráp hoàn chỉnh ở Việt Nam vào năm 1992: SYM với các dòng xe Angel, Magic và Bonus.Tam giác công nghiệp 1990Nhà máy của Đài Loan được xây dựng ở Đồng Nai vào đầu những năm 1990 là cái nôi đào tạo thực nghiệm cho hàng trăm kỹ sư mới ra trường từ Đông Nam Bộ, miền Trung và cả miền Bắc vào lập nghiệp. Thời đấy, mỗi kỳ thưởng Tết của công ty này tương đương 6 tháng lương là chuyện bình thường. VMEP còn là động lực để Đồng Nai lúc bấy giờ xây dựng nền công nghiệp phụ trợ khi kéo theo nhóm nhà máy gia công chi tiết kim loại, đúc nhôm, ép nhựa, cụm đèn xe, bộ dây điện…, thời đấy vẫn được gọi là cụm 12 nhà máy của SYM, ở khu Trảng Bom, huyện Thống Nhất.Đến trước năm 1998, Đông Nam Bộ đã hình thành một chuỗi khu công nghiệp đủ mạnh, liên kết cao độ: Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung ở TP.HCM, Khu công nghiệp Biên Hòa II - Loteco - Amata - Nhơn Trạch ở Đồng Nai, Khu công nghiệp Sóng Thần I và VSIP I ở Bình Dương. Tam giác công nghiệp trọng điểm này lúc đấy là nam châm thu hút hầu hết nhân lực sản xuất chế tạo của cả nước - cảnh tượng tiêu biểu là hàng chục ngàn công nhân miền Bắc và miền Trung rồng rắn đón xe về nhà mỗi dịp Tết.Lúc đấy chưa có một khu công nghiệp đúng nghĩa nào ở miền Bắc. Cho đến khi Honda Việt Nam đầu tư bài bản vào Khu công nghiệp Thăng Long năm 1998, hàng loạt công ty của cụm vệ tinh VMEP nói trên đồng loạt Bắc tiến, trở thành nhà cung cấp của Honda Việt Nam. Người viết có biết một công ty Đài Loan ở Bình Dương vào đầu những năm 2000, ngoài mở nhà máy, còn cử hẳn một nhóm công nhân túc trực ở Honda Việt Nam chỉ để lựa hàng không đạt - vì đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng thời điểm ban đầu khó quá.Đến đầu những năm 2000, TP.HCM có kế hoạch xây dựng Khu công nghệ cao với những cái tên chờ sẵn để đầu tư như Nidec Group của Nhật Bản hay Hewlett Packard (HP) của Mỹ. Dấu ấn đậm nét nhất là Intel Product, vào năm 2006, rồi sau đấy là khu phức hợp đồ điện tử và gia dụng Samsung, năm 2015. Để hiểu hết tầm vóc của Intel, chỉ cần hình dung: 1 tỉ đô la giá trị Intel Vietnam tạo ra, khi xuất cảng cần chưa đến một container, trong khi cũng ngần ấy giá trị, Samsung ở Khu công nghệ cao cần phải xuất đến hàng nghìn container.Tiếp tục xu hướng sau đổi mới, 10 năm đầu thế kỷ 21, Đông Nam Bộ là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư lớn khi tìm đến Việt Nam. Vậy mà trong 10 năm tiếp theo, những ong chúa đầu tư vào Việt Nam: Foxconn, Samsung, LG… đều chọn miền Bắc làm nơi trú chân, nhất là trong giai đoạn các tập đoàn toàn cầu triển khai chiến lược đa dạng hóa đầu tư Trung Quốc + 1 ráo riết thời gian qua.Đông Nam Bộ đang hụt hơiVới Honda và Toyota thời kỳ trước, quyết định chọn miền Bắc còn có thể là do mong muốn của Việt Nam chỉnh hướng đầu tư nước ngoài nhằm giảm bớt sự mất cân đối trong thu hút FDI.Nhưng từ sau năm 2010, các nhà đầu tư lớn chọn miền Bắc hoàn toàn vì lý do kinh doanh: họ thấy ở đấy nhiều tiềm năng hơn, chính sách tốt hơn, và đặc biệt là hạ tầng đồng bộ hơn nhiều. Từ vị trí xuất phát kém hơn Đông Nam Bộ, trong vòng 10 năm, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên… trở thành một cực chế tạo sản xuất mới của cả nước, năng động không kém, thậm chí còn năng động hơn vùng Đông Nam Bộ, bởi nhiều lý do.Điểm dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng, mà rõ ràng nhất là đường bộ (xin dẫn lời Thủ tướng Chính phủ mới đây: 20 năm qua, cả Đông Nam Bộ mới phát triển được 50km đường cao tốc, trong khi một tỉnh ở miền Bắc đã làm được 200km). Những than phiền về phân bổ đầu tư thì đã nghe nhiều, nhưng cũng phải nhìn vào một thực tế: Đông Nam Bộ không thiếu nguồn lực để tự thân cải thiện hệ thống hạ tầng kết nối các khu công nghiệp trọng điểm, vấn đề là những nguồn lực đấy được sử dụng ra sao.Ví dụ kinh điển có lẽ là con đường từ Khu công nghệ cao xuống Biên Hòa: 30 năm có khoảng 2km không giải tỏa được. Hay từ Cát Lái qua Nhơn Trạch, cũng chừng đấy thời gian, không một cây cầu nào được xây mới, và thành phố Nhơn Trạch trong mơ - gần 30 năm qua vẫn chưa thể thành hình. Muốn đi từ Nhơn Trạch về đến trung tâm Sài Gòn, con đường nhanh nhất hiện giờ vẫn là đi… phà. Kể cả nút giao thông được coi là hiện đại nhất nhì TP.HCM - thường gọi là nút Trạm 2 - nối Khu công nghệ cao với Linh Trung - Sóng Thần, khởi công đã 25 năm nay, vẫn còn một làn đường cho xe hai bánh từ cổng Khu công nghệ cao đến khu du lịch Suối Tiên bỏ dở. Những thứ đấy trước mắt ai cũng thấy và ai cũng biết, để giải quyết không nhất thiết cần đến ngân sách trung ương hay chiến lược kết nối vùng miền. Vậy mà mấy mươi năm nay vẫn không có gì thay đổi.Địa phương ở Đông Nam Bộ điển hình cho tình trạng không thể bứt phá này có lẽ là Đồng Nai. Từng là nơi có nhiều lợi thế về tiềm năng, địa lý, nhân lực và xuất phát điểm sớm nhất, từ đầu những năm 1990, nhưng đến giờ Đồng Nai vẫn không có khu công nghiệp nào to đẹp, hiện đại hơn Biên Hòa II, cũng không có nhà đầu tư ong chúa nào hạ cánh trong vòng 10 năm qua, để phát triển công nghệ cao hay công nghiệp chế tạo - dịch vụ, hay lắp ráp hoàn chỉnh.Tình trạng lỡ dở đã kéo dài dù Đồng Nai vẫn là địa phương có GDP từ FDI cao hàng đầu cả nước. Tỉnh chưa có được một bộ mặt đô thị hiện đại như tiềm năng của nó, ví dụ trực quan là thành phố Biên Hòa, một đô thị cấp II đã từ rất lâu, nhưng nay trở nên khiêm nhường khi so với các thị xã, thành phố cấp III của Bình Dương. Thậm chí một khu lưu trú đúng chuẩn cho chuyên gia - nhân sự trung cao cấp người nước ngoài ở lại thay vì sáng đi chiều về Sài Gòn - sau hơn 25 năm, vẫn không có nổi.Việc có lợi thế xuất phát sớm và ưu điểm rõ ràng đáng lẽ phải làm cho Đông Nam Bộ vượt lên trong cuộc đua lót ổ cho các nhà đầu tư đại bàng, trở thành lò xo đủ mạnh tạo ra sức bật cho kinh tế cả nước phát triển. Nhưng thực tế hiện giờ đang chỉ ra nhiều thách thức. Những tin tức lạc quan có phần thái quá gần đây, về một làn sóng đầu tư tương lai gần với hàm lượng công nghệ có đổi mới về chất, sẽ ập đến Đông Nam Bộ, cần được nhìn nhận tỉnh táo hơn! ■Lý do văn hóaVào những năm đầu thế kỷ 21, Nhật Bản đã từ bỏ, nếu không muốn nói là đầu hàng, trước Hàn Quốc và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện máy gia dụng (tivi, tủ lạnh, máy giặt…), điện thoại di động và máy tính xách tay. Điều này làm cho đà phát triển của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Đông Nam Bộ khựng lại sau khủng hoảng tài chính 2008. Các sản phẩm Nhật Bản đòi hỏi công nghệ cao hơn, như thiết bị quang học hay máy móc y tế, thì nền công nghiệp chế tạo của Việt Nam chưa đủ sức phục vụ.Vốn bắt đầu làm ăn với Nhật, chậm rãi chắc chắn, bài bản quen, khi phải chuyển sang phong cách nhanh chóng, hiệu quả và bỏ qua nhiều bước có phần mạo hiểm, nhiều nhà sản xuất đã không mặn mà lắm với đối tượng khách hàng từ Hàn Quốc, Âu, Mỹ, hay sau này là Trung Quốc. Đó cũng là lý do mềm, mang tính văn hóa, với những cơ hội bị bỏ lỡ của Đông Nam Bộ. Những công ty, của Mỹ chẳng hạn, từng mở nhà máy ở Trung Quốc, nay đầu tư qua Việt Nam, cách quản trị của họ mang tính áp đặt và rất thực dụng - điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam không quen. Tags: Đông Nam bộKhu công nghiệpĐầu tư nước ngoàiThu hút đầu tưTP Hải PhòngNgành công nghiệpCông nghiệp phụ trợKhu chế xuấtDoanh nghiệp Việt NamKhu công nghệ caoHonda Việt NamNhà đầu tưCông ty Đài LoanKhu chế xuất Tân ThuậnSYM
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.