Phát triển bền vững không chỉ là xóa nghèo đói

DANH ĐỨC 06/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Phát triển bền vững, từ năm 2015 trở đi, không chỉ là tỉ lệ tăng trưởng cao, tỉ lệ nghèo đói giảm bằng không, mà còn là tránh loại trừ xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên... Đây là một trong những thông điệp chính của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững (từ ngày 25 đến 27-9 tại New York, Hoa Kỳ).

“Việc lạm dụng và phá hủy môi trường còn được kèm theo bởi một quá trình loại trừ không ngừng. Sự loại trừ kinh tế và xã hội chính là sự chối bỏ trọn vẹn tình huynh đệ của con người và là một sự chà đạp nghiêm trọng quyền con người cùng môi trường” - lời Đức giáo hoàng Francis tại khóa họp Đại hội đồng LHQ ngày 25-9 ở New York                      -CBS
“Việc lạm dụng và phá hủy môi trường còn được kèm theo bởi một quá trình loại trừ không ngừng. Sự loại trừ kinh tế và xã hội chính là sự chối bỏ trọn vẹn tình huynh đệ của con người và là một sự chà đạp nghiêm trọng quyền con người cùng môi trường” - lời Đức giáo hoàng Francis tại khóa họp Đại hội đồng LHQ ngày 25-9 ở New York -CBS

Nhân khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), các nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu thông qua một lịch trình phát triển biến đổi và bền vững cho 15 năm tới, gọi là “Biến đổi thế giới chúng ta: lịch trình phát triển bền vững đến 2030”. Nối tiếp “8 mục tiêu thiên niên kỷ” (MDG) vừa kết thúc năm nay sẽ là “17 mục tiêu phát triển bền vững” (SDG), mà các mục tiêu đầu tiên là chấm dứt nạn nghèo đói, bớt bất công, bảo vệ môi trường bên cạnh các mục tiêu như giáo dục, y tế tốt, bình đẳng giới...

Tổng thư ký Liên hiệp quốc: Không thể phát triển một mình!

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon khuyến cáo lãnh đạo các nước: “Để đạt được những mục tiêu toàn cầu mới, chúng tôi sẽ cần sự cam kết chính trị cấp cao của quý vị... Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (đã qua) đã cho thấy những gì có thể khi chúng ta làm việc cùng nhau.

Để làm tốt hơn nữa, chúng ta phải làm điều gì khác. Lịch trình 2030 buộc chúng ta phải nhìn xa hơn các biên giới quốc gia cùng các lợi ích ngắn hạn, và hành động trong tình đoàn kết dài hạn. Chúng ta không còn có thể suy nghĩ và làm việc một mình nữa”.

Một trong những lý do hay nguyên nhân chính khiến LHQ nay yêu cầu các quốc gia thôi phát triển “một mình” là sự nổi lên của yếu tố biến đổi khí hậu nay đã bắt đầu tàn phá ở đây, hủy diệt ở kia và chặn bước phát triển.

Thế nhưng đây lại là vấn đề mà một số nước hoặc không quan tâm đến do chưa nhận thức đủ, hoặc thừa nhận thức song do muốn phát triển cho riêng mình mà bất cần đến các nước khác. Điều này có thể thấy qua thất bại của các hội nghị thượng đỉnh khí hậu, bắt đầu là thượng đỉnh Rio 2010.

Những tranh luận mới đây tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này không phải là lần đầu và cũng chưa phải lần cuối, cho thấy sự cám dỗ phát triển “một mình” là như thế nào, bất chấp hậu quả cho cả thế giới.

Chính vì thế, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhấn mạnh: “Không ai có thể thành công khi làm việc một mình... Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ thông qua một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mạnh mẽ ở Paris vào tháng 12 tới”.

Ở không ít nước, tuy trên lý thuyết ai cũng rõ thách thức môi trường và gần đây hiểm họa biến đổi khí hậu đã hiển hiện, song việc đối phó vẫn chưa được toàn thể bộ máy nhà nước các quốc gia đó xem là việc của mọi bộ ngành, mà chỉ là một bộ phận liên quan trong bộ máy nhà nước, tỉ như bộ môi trường.

Càng không liên quan đến toàn thể xã hội - hậu quả là tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Bởi thế tổng thư ký LHQ mới nhấn mạnh: “Phải bao gồm cả các nghị viện và chính quyền địa phương, làm việc cả ở các thành phố lẫn ở các khu vực nông thôn. Chúng ta phải tập hợp các doanh nghiệp và doanh nhân. Chúng ta phải gọi đến các tổ chức xã hội dân sự trong việc xác định và thực hiện chính sách... Chúng ta phải lắng nghe các nhà khoa học và học thuật... Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải bắt tay vào việc ngay bây giờ”.

Giáo hoàng : Tán phá môi trường cũng là loại trừ đói nghèo

Trong diễn văn trước Đại hội đồng LHQ, Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh đến vấn đề mà đối với thế giới hiện là sống còn này: “Bất kỳ tác hại nào đến môi trường cũng gây thiệt hại cho nhân loại... Đầu tiên, bởi vì con người chúng ta là một phần của môi trường. Chúng ta đang sống cùng với môi trường, và do lẽ môi trường đòi hỏi những giới hạn đạo đức mà hoạt động của con người phải thừa nhận và tôn trọng...

Con người, sở hữu một cơ thể hình thành bởi các yếu tố sinh học, vật lý và hóa học, chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu môi trường sinh thái là thuận lợi. Bất kỳ tác hại nào đến môi trường, do đó tác hại cho nhân loại...”.

Đến đây, Giáo hoàng đưa ra cái nhìn về vấn đề này trong góc độ tín lý Kitô giáo: “Do lẽ mọi tạo vật, đặc biệt là sinh vật, đều có một giá trị tự thân trong sự tồn tại, sự sống, vẻ đẹp của mình và trong sự tương thuộc với các tạo vật khác...

Người Kitô giáo chúng tôi, cùng với các tôn giáo độc thần khác, tin rằng vũ trụ này là kết quả của một quyết định thương yêu của Đấng tạo hóa, Đấng đã cho phép con người sử dụng sáng tạo của Người một cách tôn trọng vì lợi ích của loài người và để tôn vinh Đấng tạo hóa.

Thành ra, con người không được phép lạm dụng sự sáng tạo đó, càng không được phép tàn phá. Trong mọi tôn giáo, môi trường đều là một của cải cơ bản”.

Sau chiều kích tín lý tôn giáo, Giáo hoàng Francis đưa vấn đề môi trường vào sâu trong chiều kích con người đúng với tôn chỉ “xuống thế làm người” của Kitô giáo.

Vị Giáo hoàng đến từ châu Mỹ Latin mà từ nửa sau thế kỷ trước đã nổi lên trào lưu “Thần học giải phóng” trong bối cảnh của những tàn phá rừng và môi trường dưới các chính quyền quân nhân, không thể không nói đến một tai họa kép đang diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển:

Việc lạm dụng và phá hủy môi trường còn được kèm theo bởi một quá trình loại trừ không ngừng. Sự loại trừ kinh tế và xã hội chính là sự chối bỏ trọn vẹn tình huynh đệ của con người và là một sự chà đạp nghiêm trọng quyền con người cùng môi trường.

Thật vậy, sự thèm khát quyền lực cũng như sự giàu có vật chất, đầy ích kỷ và vô bờ bến đã dẫn đến việc lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên đang có và dẫn đến việc loại trừ người yếu và thất thế do không có cùng các khả năng hoặc thiểu năng, hay do thiếu thông tin thích hợp cùng kỹ năng chuyên môn, hoặc do không có khả năng hành động chính trị dứt khoát.

Những người nghèo nhất là những người chịu khổ nhất từ sự chà đạp đó vì ba lý do nghiêm trọng: họ là thành phần bị gạt ra khỏi xã hội, buộc phải sống với những gì bố thí và phải chịu đựng sự lạm dụng môi trường một cách bất công. Họ là một phần của “văn hóa lãng phí” đang phổ biến rộng rãi một cách lặng lẽ ngày nay”.

Một trong vô vàn ví dụ về sự loại trừ này trong cuộc sống hằng ngày là tác hại của việc xây dựng thủy điện. Ilse Pukinskis và Kim Geheb trong The impacts of dams on the fisheries of the Mekong (Tác động của các con đập nơi nghề cá trên sông Mekong) đã kết luận: “Các nghiên cứu ban đầu về sự đánh đổi giữa tác động môi trường và xã hội của đập so với lợi ích kinh tế mang lại đã chỉ ra rằng lợi ích kinh tế của các con đập không lớn hơn phí tổn môi trường và xã hội từ việc xây đập”.

Việc không ít chính quyền địa phương hằng năm cứ phải “la làng” vì thủy điện bất ngờ xả nước lũ hoặc kiên quyết không xả nước trong mùa hạn là những tổn hại rành rành nói chung. Thế nhưng tác động nơi mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi phụ nữ, trẻ em, người già... khi phải rời bỏ làng mạc, ruộng đồng của mình, phải đi đến chỗ khác là như thế nào?

Có những đập thủy điện đã khởi công xây dựng từ 10 năm trước, đã xây xong cách đây ba năm, song giờ vẫn chưa tái định cư dân chúng phải di dời xong (1)!

Vì thế, cũng không khó hiểu khi Giáo hoàng nhắc các chính phủ: “Thế giới chúng ta đòi hỏi tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ một quyết tâm hiệu quả, thiết thực, liên tục, các bước cụ thể và các biện pháp tức thời để bảo tồn và cải thiện môi trường tự nhiên.

Và từ đó đặt một dấu chấm càng nhanh càng tốt đối với các hiện tượng loại trừ kinh tế và xã hội, cùng các hậu quả hủy diệt của nó... Các lãnh đạo chính phủ phải làm tất cả mọi việc có thể được nhằm đảm bảo rằng mọi người có được các phương tiện tinh thần và vật chất tối thiểu cần thiết để sống trong nhân phẩm và để có thể lập gia đình và bảo bọc gia đình.

Thực tế mà nói, cái tối thiểu tuyệt đối đó gồm chỗ ở, việc làm và đất đai, cùng sự tự do tinh thần, bao gồm tự do tôn giáo, quyền được học hành cùng các quyền dân sự khác...”.

Tự hào, ám ảnh, thôi thúc... 

Ở khu vực Đông Nam Á, một số nước mới chỉ giải quyết các ưu tiên giảm nghèo và tăng trưởng, chưa kịp có thời giờ để ngẫm nghĩ nhiều đến vấn đề loại trừ xã hội cũng như tác hại của sự hủy diệt môi trường.

Trong diễn văn của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen loan báo thành tựu giảm nghèo và tăng trưởng vốn đang là hai ưu tiên bức bách: “Trong hai thập kỷ qua, Campuchia đã có những biến đổi đáng kể... với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trung bình là 7,7% mỗi năm.

Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể từ 53% năm 2004 xuống còn 16% trong năm 2013, làm cho Campuchia đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo và các lĩnh vực xã hội khác trước năm 2015. Các chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm 2015. Campuchia hiện đang trong quá trình chuyển sang giai đoạn tiếp theo của sự phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2016”.

Từ một bối cảnh phát triển hơn đồng thời cũng đã và đang rơi vào cái bẫy loại trừ xã hội, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh đến vấn đề này cùng phương cách giải quyết: “Một thách thức đang thúc ép trong thời đại chúng ta là sự bất bình đẳng. Đó là nguồn gốc của các vấn đề như nghèo khó, xung đột vì tài nguyên, di dân bất hợp pháp - các vấn đề có thể biến thành xung đột.

Để giải quyết nạn bất bình đẳng, trước hết chúng tôi phải có những luật lệ hữu hiệu... nhằm làm cho việc tiếp cận tài nguyên được quảng bá hơn hoặc tiếp cận các dịch vụ công một cách bình đẳng... Các đạo luật hiệu quả cần thiết cho việc thúc đẩy quản lý nhà nước tốt hơn, trách nhiệm giải trình và minh bạch hơn trong hành chính công, đồng thời chống lại nạn tham nhũng và gia đình trị”.

Phát triển bền vững, từ năm 2015 trở đi, không chỉ là tỉ lệ tăng trưởng cao, tỉ lệ nghèo đói giảm bằng không, mà còn là tránh loại trừ xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên...

Và trên hết, như Giáo hoàng Francis cảnh báo trong thông điệp của mình hôm 25-9: “Chúng ta phải tránh mọi cám dỗ rơi vào xu hướng báo công hình thức vốn chỉ nhằm xoa dịu lương tâm chúng ta. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng các định chế nhà nước của chúng ta thật sự hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả tai họa đó”.■

(1): http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Tap-trung-hoan-thanh-tai-dinh-cu-thuy-dien-Son-La/20157/16439.vgp

http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Ra-soat-cac-cong-trinh-tai-dinh-cu-thuy-dien-Son-La-can-sua-chua/20158/16765.vgp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận