Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh: TUẤN PHÙNG
* Lãnh đạo Quốc hội đã có ý kiến đồng ý tăng chế tài xử phạt lái xe sử dụng rượu bia, ma túy như buộc lao động công ích như thu gom rác, nạo vét sông, thu bằng lái xe vĩnh viễn. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
-Như chúng ta thấy, nếu chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với những người vi phạm thì đối với một số trường hợp hay một số nhóm hành vi thì hiệu lực răn đe, giáo dục vẫn chưa đạt, chủ thể vi phạm có thể tái phạm.
Nhưng nếu dùng công cụ giáo dục một cách hiệu quả thì có thể thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của chủ thể. Những hoạt động lao động công ích như thu gom rác, nạo vét sông, chăm sóc bệnh nhân tai nạn giao thông... đều rất hợp lý.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn nên áp dụng với những trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mà chủ thể vi phạm có dấu hiệu coi thường pháp luật, thách thức pháp luật, nhờn luật nếu tiếp tục cấp phép lái xe thì họ sẽ trở thành những rủi ro cao độ với cộng đồng.
Ví dụ như khi gây tai nạn, thấy nạn nhân bị thương như thay vì xuống trợ giúp thì bỏ chạy hoặc thậm tiếp tục chèn qua người nạn nhân, những hành vi vi như vậy hoàn toàn không còn nhân tính, khi có bằng chứng rõ ràng về việc hành vi cố tình như vậy thì hoàn toàn có thể tước bằng vĩnh viễn.
Trong thực tế những trường hợp này không nhiều, nhưng vẫn luôn có ở bất cứ xã hội nào. Bởi vậy, không nên áp dụng giải pháp tước vĩnh viễn một cách đại trà mà chỉ nên và cần áp dụng với những trường hợp nhất định.
* Tổng cục Đường bộ đã đề xuất tăng phạt tiền, tước bằng lái đến 24 tháng – kịch khung của Luật xử lý vi phạm hành chính với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Theo ông, chúng ta có thể tăng nặng hình phạt? Nhiều người đề xuất tịch thu cả phương tiện của người vi phạm, ý kiến ông thế nào?
- Nguyên tắc cơ bản là xử phạt theo mức độ vi phạm. Có những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn tính mạng của người khác thì lúc đó xử lý hành chính không còn phù hợp, mà phải xử lý theo các quy định khác nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như Luật hình sự.
Còn các vi phạm mang tính chất hành chính thì cũng sẽ có các mức phạt khác nhau tùy theo mức độ vi phạm. Mức phạt cũng quan trọng, tuy nhiên còn vấn đề khác quan trọng hơn là phải quản lý được tái phạm và phạt lũy tiến với tái phạm, làm như vậy tính giáo dục răn đe rất cao.
Hiện nay chúng ta chưa lưu trữ và chia sẻ để quản lý tái phạm, phạt xong hồ sơ lái xe lại như mới nên tính giáo dục răn đe chưa cao.
Ông Khuất Việt Hùng: Những người vi phạm luật giao thông hoàn toàn có thể thực hiện lao động công ích khác ít rủi ro với cộng đồng: dọn vệ sinh đường phố, quét rác, nạo vét sông, vệ sinh công cộng - Ảnh: TUẤN PHÙNG
* Hình phạt lao động công ích được hiểu là hình phạt bổ sung bên cạnh các chế tài khác. Vậy chúng ta cần buộc người vi phạm thực hiện những lao động công ích nào? Có thể buộc họ làm các công việc dọn vệ sinh đường phố, nạo vét sông, chăm sóc nạn nhân tai nạn giao thông, dọn nhà về sinh công cộng ?
- Trong xã hội thì luôn tồn tại các dịch vụ công ích phục vụ cộng đồng mà ngân sách phải lấy từ thuế để chi trả. Lao động công ích có rất nhiều loại. Bản chất lao động công ích là hoạt động tình nguyện không được trả tiền và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của những người vi phạm nên họ không nên thực hiện các hoạt động có tính nhạy cảm cao, chẳng hạn trợ giúp học sinh, trợ giúp người tàn tật, lao động trong bệnh viện... vì bản thân những người vi phạm là nhóm có hành vi rủi ro cao.
Nhưng những người vi phạm luật giao thông hoàn toàn có thể thực hiện lao động công ích khác ít rủi ro với cộng đồng: dọn vệ sinh đường phố, quét rác, nạo vét sông, vệ sinh công cộng... các cơ quan chức năng sẽ cần nghiên cứu và đưa ra phương án cụ thể.
* Có ý kiến cho rằng nhiều người không sợ bị phạt tiền. Họ chỉ sợ bị tước quyền lái xe vĩnh viễn, sợ lý lịch tư pháp xấu... Vậy có xem xét đăng tải thông tin, hình ảnh người phải lao động công ích do lỗi uống rượu bia?
- Đây là một vấn đề hiện vẫn còn gây tranh cãi trên thế giới và cũng hoàn toàn không có không có một chuẩn mực nào cho các quốc gia phải theo. Có nhiều quốc gia phát triển cũng đã từng bảo mật thông tin này, nhưng rồi sửa luật và công bố danh tính và các thông tin cụ thể của người vi phạm. Nhưng rồi sau đó cộng đồng, người dân có ý kiến, họ lại đưa lại chế độ không công bố. Như vậy là một vòng tròn.
Đối với Việt Nam, chúng ta cũng cần nghiên cứu vấn đề này thấu đáo. Tuy nhiên việc công bố những vụ việc vi phạm, hậu quả, phân tích nguyên nhân, kết quả xử lý, xác định trách nhiệm của các bên, bài học kinh nghiệm rút ra... và truyền thông là hết sức cần thiết để răn đe, còn việc cung cấp thông tin cá nhân chi tiết tới đâu thì chúng ta cần nghiên cứu.
Trong vấn đề này, cái quan trọng nhất là hình phạt đủ sức răn đe với cá nhân vi phạm, và trong vấn đề này, cần kết hợp cả 4 công cụ hình sự - hành chính – giáo dục và kinh tế, trong đó công cụ phạt tiền, giáo dục và kinh tế có thể áp dụng trong phần lớn các trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận