Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số chất độc hại vẫn được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Trong khi đó, các bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do ăn uống phải các hóa chất độc hại như thuốc diệt chuột, H2SO4, thuốc diệt cỏ paraquat...
Loại nào cũng có
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, rất nhiều loại hóa chất độc hại đang được rao bán tràn lan trên mạng, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ cần gõ từ khóa "thuốc diệt chuột giá rẻ", "dung dịch acid H2SO4", "thuốc cỏ cháy hoạt chất cũ paraquat"... thì hàng loạt kết quả sản phẩm được rao bán thuộc nhiều cửa hàng khác nhau.
Người mua chỉ cần một cú nhấp chuột bỏ vào giỏ hàng và thanh toán, vài ngày sau sẽ có hàng gửi đến tận nhà. Điển hình tại sàn thương mại điện tử S. khi gõ từ khóa "thuốc diệt chuột" đã có hàng chục sản phẩm với đủ loại màu sắc giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Tương tự tại sàn L. rao bán "10 lọ thuốc diệt chuột Trung Quốc cực mạnh" với giá 35.000 đồng, "Thuốc diệt chuột dạng nước loại 1 chuột chết ngay tại chỗ, hoàn tiền nếu chuột ăn không chết", giá 3.500 đồng/ống...
Theo quan sát, một số loại thuốc diệt chuột được rao bán trên các sàn này đựng trong các ống dài màu đỏ hoặc trắng dạng lỏng như xi rô, quảng cáo không mùi. Các ống dạng nước này hoàn toàn không nhãn hiệu, bao bì phía ngoài người bán chỉ giới thiệu hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau.
Trước đó, tháng 3-2024, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 13 tuổi (Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát.
Trước khi vào viện hai ngày, trẻ uống hai tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc do trẻ tự đặt mua trên trang thương mại điện tử, sau uống trẻ xuất hiện nôn nhiều, chóng mặt, gia đình mới phát hiện và đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Theo bác sĩ Phạm Văn Tuấn, khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi trung ương, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là do người lớn bất cẩn không để thuốc và hóa chất ở nơi an toàn khiến trẻ ăn, uống nhầm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ngộ độc.
Nguyên nhân thứ hai là ngộ độc có chủ đích do trẻ có ý định tự tử. Thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi), khi tâm sinh lý của trẻ bắt đầu có sự thay đổi, những áp lực dẫn đến hành vi tiêu cực.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những năm gần đây trung tâm tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.
Đáng chú ý, thuốc diệt chuột thế hệ mới có dạng viên giống viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng; có dạng dung dịch giống xi rô hay dạng bột, có dạng dễ gây nhầm lẫn là ngũ cốc.
"Các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10-20 năm hầu hết nhập lậu từ Trung Quốc, gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại thì ngày nay các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K.
Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong ba ngày đầu sau ngộ độc, biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân hoàn toàn bình thường", bác sĩ Nguyên nói.
Nguy hiểm tiềm ẩn từ hóa chất
Các chuyên gia cho rằng việc mua bán dễ dàng các hóa chất độc hại, hóa chất không có nhãn mác tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Thời gian qua, rất nhiều trẻ nhỏ uống nhầm nước lau kính, dầu hỏa, dung dịch acetone, các chất tẩy rửa... dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Với trường hợp trẻ uống phải các chất tẩy rửa có thể gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, suy hô hấp.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyên cho biết thêm theo số liệu thống kê trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính.
Trong khi đó, ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. Trong đó, nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn, chất lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh.
Bệnh nhân ngộ độc hóa chất ăn mòn thường bị bỏng, xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài rất dễ bị hẹp thực quản, co rút, dày dính các bộ phận của đường tiêu hóa. Tại bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một vài ca do bỏng hóa chất gây hoại tử dạ dày, đại tràng và tử vong. Việc chữa trị cũng kéo dài và khó khăn, tỉ lệ tử vong cao.
Bác sĩ Nguyên cũng cho rằng hiện nay việc quản lý buôn bán hóa chất tại Việt Nam vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.
"Mỗi người đều có thể tự mua các loại hóa chất độc hại, cực độc trên các sàn thương mại điện tử. Thậm chí, có những loại thuốc diệt chuột có độc tố cực mạnh đã bị cấm lưu hành nhưng vẫn có thể dễ dàng mua.
Bên cạnh đó, nhiều người Việt "sính ngoại" mua các loại hóa chất "xách tay" không có nhãn tiếng Việt, không có thành phần hay cách sử dụng. Điều này cũng có thể dẫn đến nhầm lẫn khi sử dụng. Đặc biệt, khi không may uống nhầm, các bác sĩ cũng gặp khó khăn trong việc xác định hóa chất gây ngộ độc, gây khó khăn cho việc điều trị", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo khi sử dụng các sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, mức độ an toàn và các khuyến cáo khi sử dụng. Các hóa chất này cũng cần để xa tầm với của trẻ em và người già.
"Khi phát hiện người bệnh ngộ độc hóa chất tẩy rửa cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời. Tuyệt đối không áp dụng các biện pháp gây nôn để tránh nguy cơ sặc hóa chất hoặc hóa chất lan rộng, làm tổn thương nặng nề hơn.
Khi đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nên cầm theo hóa chất đã uống nhầm để bác sĩ biết được nguyên nhân, hỗ trợ trong quá trình điều trị", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
TS Nguyễn Thị Thủy Ngân, phó khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, bày tỏ lo ngại mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc nhiều loại chất khác nhau. Khai thác bệnh sử cho thấy đa phần bệnh nhân đều tìm mua trên mạng rất nguy hiểm.
Theo TS Ngân, hiện nay việc mua bán các chất độc hại ngày càng nở rộ bằng các con đường giao dịch trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán không chính thống.
"Phải tìm cách kiểm soát được các nguồn thuốc không chính thống từ những nơi này. Đặc biệt khi có bất kỳ ca ngộ độc nào xảy ra cần kiểm soát, truy được nguồn gốc nơi bán, xử phạt nặng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Ngân nói.
Đại diện các sàn thương mại điện tử nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hai sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho biết mới đây đã tiến hành kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm có chứa hoặc liên quan đến chất độc như xyanua.
Đại diện một sàn thông tin họ đã tiến hành rà soát toàn sàn và xử lý xóa toàn bộ tất cả các sản phẩm vi phạm liên quan tới danh mục sản phẩm xyanua. "Chúng tôi cũng đã cập nhật thêm danh sách từ khóa kiểm duyệt nhằm sàng lọc và ngăn chặn các phát sinh liên quan tới sản phẩm để hạn chế tốt nhất việc sản phẩm xuất hiện lại trên sàn".
Theo chia sẻ của các sàn thương mại điện tử, sản phẩm được duyệt bán trên sàn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, gồm tuân thủ pháp luật hiện hành (sản phẩm không được vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh và thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam).
Ngoài ra các sản phẩm còn phải phù hợp với quy định của sàn (không thuộc danh mục cấm/hạn chế kinh doanh theo quy định); thông tin minh bạch (người bán phải đảm bảo thông tin sản phẩm đăng tải chính xác, đầy đủ và rõ ràng, bao gồm nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, đặc điểm, giá cả...).
Các sàn cũng cho biết đã triển khai đội ngũ kiểm duyệt chuyên trách nhằm sàng lọc danh sách sản phẩm liên tục, áp dụng quy trình kiểm duyệt chặt chẽ, cập nhật danh sách từ khóa thường xuyên để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Song song đó là hệ thống xử lý nhằm gỡ bỏ ngay lập tức sản phẩm vi phạm, áp dụng hệ thống để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà bán hàng, đồng thời có thể báo cáo cơ quan chức năng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận