TTCT - Đã có rất nhiều tranh cãi quanh việc phạt học sinh trong nhà trường. Nhiều thầy cô cho rằng phải có phạt mới giữ được nề nếp, kỷ luật, số khác thì cho rằng "đòn roi" không còn phù hợp trong việc dạy trẻ ở thời điểm hiện tại. Phải làm sao để không phản giáo dục? Minh họa: Ry Nguyễn Tôi là giáo viên tiểu học, đi dạy đã hơn 20 năm. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nghề giáo lại khó khăn như lúc này. Người giáo viên đứng lớp, truyền đạt kiến thức và rèn nề nếp cho gần 50 học sinh với 50 tính cách, thói quen khác nhau, nếu không được mắng, trách, phạt thì chúng tôi phải làm sao?Tôi đã đọc khá nhiều diễn đàn về giáo dục và nhận thấy rằng rất nhiều người chỉ nói lý thuyết chứ chưa thực sự đối mặt thực tế. Một số nói rằng: giáo dục trẻ (ở đây tôi chỉ bàn về trẻ tiểu học) thì cần tình yêu thương, sự dịu dàng.Tôi cũng đồng ý như vậy. Nhưng ở nhà, quý phụ huynh chỉ có từ 1 đến 2 con, còn chúng tôi có đến 50 đứa con. Ở nhà chỉ 1 đến 2 con mà có lúc các vị còn không kiềm chế nổi, phát vào mông con mấy cái vì cháu bướng quá, hư quá... Thế thì tại sao ở trên lớp, giáo viên chúng tôi không được dùng hình thức kỷ luật để rèn học sinh của mình vào nề nếp?Mục đích của “trách - phạt” là gì?Với thực tế như trên, tôi cho rằng: trong giáo dục phải có trách, phạt, la, mắng thì học sinh mới có thể tiến bộ. Dĩ nhiên, song song đó không thể thiếu vế còn lại: có khen, có thưởng để động viên, khuyến khích học sinh vươn tới những điều tốt đẹp.Trước khi trách - phạt, cần xác định mục đích của phạt là gì? Để thỏa mãn cá nhân giáo viên hay là để cho trẻ tốt hơn? Tôi chọn vế thứ hai nên tôi tìm mọi cách để trẻ hiểu rằng: con ngoan, học hành đàng hoàng, con sẽ được khen - thưởng. Ngược lại, con không học hành đàng hoàng con sẽ bị trách - phạt. Tôi nghĩ ở nhà quý vị cũng dùng phương pháp này để dạy con.Trên mạng, nhiều “chuyên gia” đưa ra lời khuyên rằng: giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phải tổ chức cho học sinh hoạt động, phải tìm cách thu hút học sinh trong giờ học để các em không nói chuyện, không làm việc riêng.Xin thưa, ý này chỉ đúng khi giáo viên giảng bài, còn những tiết làm bài tập, sửa bài, còn những lần giao bài về nhà mà học sinh thường xuyên không làm, không hoàn thành thì sao? Ở lớp của tôi, em nào quên tập, sách ở nhà, em nào không hoàn thành bài tập cô giáo giao thì sẽ bị phạt. Điều này như một nội quy và các em hiểu biết điều đó.Hình thức phạt thì rất đa dạng nhưng thường xuyên nhất là khẻ tay. Tôi mua loại thước nhựa, mềm, dẻo, loại thước này khẻ cũng đau nhưng không để lại thương tích như thước gỗ. Học sinh quên đồ dùng học tập hoặc chưa làm bài ở nhà: khẻ tay; không hoàn thành bài tập trên lớp do không tập trung, mải nói chuyện riêng (với những em yếu, kém thì phải động viên, hỗ trợ): khẻ tay;... Ở lớp tôi, các em đã quen đến mức khi cô đi kiểm tra bài, những em không hoàn thành đã tự động xòe tay ra cho cô đánh.Chưa hết, tôi biết học sinh tiểu học thường rất hiếu động, tâm lý các em đều mong cho mau đến giờ ra chơi để được chạy, nhảy, vui chơi thỏa thích. Do vậy những em nào không hoàn thành bài vở, giờ ra chơi phải ở lại lớp học bài, làm bài. Và tôi canh giờ để khi nhìn đồng hồ, thấy chỉ còn 2-3 phút nữa là hết giờ ra chơi, tôi sẽ cho em ra ngoài.Khi em chạy ra sân cũng là lúc chuông reo vào lớp. Rồi khi vào tiết học tiếp theo, tôi sẽ dành vài phút để những học sinh khác kể về giờ ra chơi vui vẻ và hạnh phúc của mình, để những em bị phạt cảm thấy hối tiếc vì lỗi của mình và biết quý những giờ phút được chơi tự do. Đương nhiên, lúc ấy tôi sẽ kết luận: “Cô mong giờ ra chơi sau tất cả lớp mình đều được ra sân để các em được vui vẻ, thoải mái...”.Tôi còn cho học sinh làm cuốn sổ rèn luyện và để các em tự chấm điểm cho chính mình: điểm chuyên cần (đi học có đúng giờ không, có hay nghỉ học không...); điểm ý thức học tập (mang đầy đủ đồ dùng học tập, giờ nào việc nấy...); điểm tích cực (hào hứng tham gia các hoạt động giáo dục hay không, có tích cực phát biểu trong giờ học không, tinh thần làm việc nhóm như thế nào...)...Mỗi cột điểm sẽ được chấm theo thang điểm 20. Phạm một lỗi trừ 1 điểm. Học sinh tự chấm điểm trước, cô giáo sẽ đánh giá sau.Cuối tuần tổng kết, em nào được 100 điểm sẽ được phiếu học tốt. Một tháng đủ 4 phiếu học tốt sẽ được nhận quà (là bút chì, thước kẻ hoặc sách truyện... - cái này tôi nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ). Tổ nào có nhiều hoa việc tốt sẽ được xếp hạng thi đua cao và ngược lại.Tôi bị kiện, nhưng vẫn phải phạtĐối với một số em thuộc diện “không ngọ nguậy trong giờ học không chịu được”, tôi dùng biện pháp mạnh hơn. Ở đây cần phải nói thêm là khi tôi lên lớp, tôi cho các em khá thoải mái: di chuyển chỗ ngồi để làm việc nhóm, chạy lên bảng thi tiếp sức cho bạn, có những em hiếu động, khi giơ tay không chịu ngồi mà đứng hẳn lên..., những điều này đều chấp nhận được, học sinh tiểu học mà.Nhưng giờ làm bài mà cứ quay ngang, quay ngửa, chọc ghẹo bạn này, bạn kia thì chắc chắn sẽ bị khẻ tay. Đó là vi phạm lần 1, lần 2, cô giáo đã nhắc nhở mà tiếp tục vi phạm lần 3 trong tiết học sẽ bị phạt quỳ tại chỗ - vừa quỳ vừa làm bài, làm cho xong bài mới được quay về tư thế bình thường. Chưa đủ, giờ ra chơi những em quậy trong lớp sẽ được ra sân nhưng ngồi ở một góc sân trường dưới sự giám sát của cô giáo, không được chạy nhảy như các bạn.Kể đến đây, chắc nhiều người sẽ hỏi tôi: có bao giờ bị phụ huynh kiện không? Xin thưa là không thể tránh khỏi. Nhưng đó là hồi tôi còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm cư xử với phụ huynh và thiếu cả kỹ năng sư phạm. Thế nên, tôi cũng từng phải làm tường trình, phải xin lỗi phụ huynh trong buổi họp, từng bị dọa “sẽ kiện lên tới Sở GD-ĐT cho mất việc”; có năm còn suýt bị hạ thi đua...Nhưng càng dày dạn kinh nghiệm, tôi càng nhận ra: không phạt thì không thể nào dạy học sinh được. Nhất là trong bối cảnh như hiện nay: tình trạng hiếm con ngày càng phổ biến nên phụ huynh cưng chiều con hết mực.Ở nhà, các bé được tôn lên làm vua và nữ hoàng, cần gì là ông bà, bố mẹ răm rắp đáp ứng, không dám làm trái ý, sợ con buồn, con khóc, con bỏ cơm.Nhưng ở lớp, tôi là cô giáo, tôi có nhiệm vụ dạy các em phải biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết kính trên nhường dưới, biết chia sẻ, yêu thương... Tôi phạt để các em hiểu được quy luật: làm tốt sẽ được khen, làm không tốt sẽ bị phạt.Tôi không thể tôn 50 học sinh của mình thành 50 ông vua và nữ hoàng. Tôi muốn học sinh của mình hiểu rằng: tôi là cô giáo, tôi có nhiệm vụ dạy các em nên người chứ không phải là người phục vụ các em ở trường.Sau này, tôi không bị phụ huynh kiện nữa. Bởi tôi đã biết cách thể hiện cho học sinh, phụ huynh hiểu: tôi thương học sinh như con và thật lòng mong muốn các em tiến bộ. ■(*) Ghi theo lời kể của một giáo viên tiểu học.Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu “Thương cho roi, cho vọt”. Roi, vọt ở đây được hiểu là kỷ luật nghiêm minh. Thế nên, ngày xưa ở những lớp học của các thầy đồ, chuyện phạt quỳ, chuyện học trò bị phạt nằm lên bàn để thầy đánh roi mây... không phải hiếm.Thời xưa, có lẽ vì câu “tôn sư trọng đạo”, hay “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mà chẳng phụ huynh nào dám có ý kiến gì với thầy giáo của con mình khi con mình bị phạt. Không những thế, có phụ huynh còn cho rằng: ông thầy có phạt con mình, đánh con mình cũng vì thương con mình, muốn con mình tốt lên, chịu khó học hành hơn,... Về phía học trò, không phải tất cả nhưng khá nhiều người đã từng bị thầy quất roi mây, từng bị quỳ gối hàng giờ trong lớp học... vẫn thừa nhận: nhờ cây roi mây mà mình nên người.Thời nay, các trường học thực hiện chủ trương “trường học thân thiện, hiện đại, tích cực”: giáo viên gần gũi, hòa đồng, thân thiện với học sinh hơn chứ không quá cách biệt giữa thầy - trò như ngày xưa.Thêm vào đó, ngành GD-ĐT cũng quy định: một trong những điều giáo viên không được làm là: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh”. Sở dĩ có quy định này vì trên thực tế, có những giáo viên đã hành hạ học sinh một cách dã man, nhằm thỏa mãn cái tôi bực tức, cáu giận của mình chứ chưa hẳn vì mong muốn cho học sinh tiến bộ.Một số hành vi không thể chấp nhận được như: học sinh ăn kẹo trong lớp bị cô phát hiện sợ quá nên làm rơi xuống đất, cô bắt nhặt lên ăn tiếp; giáo viên lấy bông lau bảng nhét vào miệng học sinh để các em khỏi nói chuyện; cầm thước quất liên tục vào người học sinh đến bầm tím,...Những hình phạt như vậy không thể chấp nhận, nó quá kinh khủng và gây tổn thương cho học sinh, nó sẽ để lại vết thương khó phai mờ trong lòng học sinh. Tags: Phạt học sinhKỷ cương trường họcSao cho nên người
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.