Từ ngày 5-5-2017, người treo quảng cáo trên cây xanh bị phạt từ 1-2 triệu đồng, chủ sản phẩm bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Ảnh chụp tại Q.5, TP.HCM - Ảnh: Hữu Thuận |
Hầu hết các doanh nghiệp quảng cáo bài bản đều không dùng hình thức quảng cáo ở các vị trí không nằm trong quy hoạch, các vị trí bừa bãi, phản cảm, làm ảnh hưởng hình ảnh của họ. Cho nên quy định này sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đó, chỉ ảnh hưởng đến các hộ cá thể, nhỏ lẻ, vốn không tôn trọng mỹ quan đô thị. Muốn hay không, việc hạn chế tiến tới ngăn chặn hoàn toàn hình thức quảng cáo bừa bãi này là cần thiết. |
Ông LÊ QUỐC VINH (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Le Bros) |
* Ông NGUYỄN QUỐC THÁI (phó chủ tịch UBND P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Khó truy chủ sản phẩm
Các quy định xử phạt tại nghị định 28 (sửa đổi, bổ sung một số điều của hai nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) đều cao hơn mức xử phạt cũ rất nhiều lần. Việc này hi vọng sẽ có tác dụng răn đe để người dân có ý thức hơn trong việc treo băngrôn quảng cáo, tránh làm mất mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, tôi thấy quy định người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được treo, dán tại những nơi như cột điện, cây xanh... bị phạt từ 5-10 triệu đồng rất khó để thực hiện.
Trước đây, các tuyến đường ở phường chúng tôi bị dán biển quảng cáo rút hầm cầu chi chít, tràn lan. Khi chúng tôi gọi thử vào số quảng cáo và yêu cầu đến rút hầm cầu tại địa chỉ UBND phường thì không thấy ai đến. Tuy nhiên khi chúng tôi cho địa chỉ nhà cá nhân thì 30 phút sau đã có người đến làm.
Không có cách gì truy ra chủ nhân các số điện thoại quảng cáo nêu trên, chúng tôi đã có hàng loạt văn bản gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM (cũ) yêu cầu chấn chỉnh nạn treo biển quảng cáo rút hầm cầu tràn lan. Sở đã có văn bản đề nghị phía bưu chính viễn thông kiểm tra các số điện thoại đăng quảng cáo. Khi kiểm tra thì thấy các số điện thoại này đều không chính chủ.
Các số thuê bao quảng cáo sau đó bị cắt. Tuy nhiên được một thời gian thì lại có hàng loạt số điện thoại mới in quảng cáo rút hầm cầu và dán tràn lan ở phường. Rất khó để xử lý tận gốc.
Trở lại quy định xử phạt quảng cáo sai chỗ với chủ sản phẩm, trước đây chúng tôi đã từng phát hiện nhiều người đang vi phạm trong việc treo biển quảng cáo nhưng khi đưa họ về phường kiểm tra thì chủ yếu là người chạy xe ôm, sinh viên, người làm thuê...
Chúng tôi giữ tang vật (thường là xe máy) và yêu cầu họ phải gọi chủ đến để làm việc. Có người liên hệ nhưng ông chủ sản phẩm không đến, hoặc khi liên hệ thì chủ phủ nhận không thuê người treo quảng cáo. Có người còn không biết ông chủ là ai, họ được thuê treo biển quảng cáo xong mới gặp ông chủ nhận tiền... Vì vậy, quy định xử phạt chủ nhân có sản phẩm quảng cáo sai chỗ, theo tôi, là khó khả thi.
* Một đại diện Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM:
Tránh phạt oan
Việc xử phạt người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... sai quy định và phạt cả chủ nhân của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, quy định tại nghị định 28 cần hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ, nếu không sẽ khó tránh trường hợp bị oan đối với chủ sản phẩm được quảng cáo. Bởi không loại trừ trường hợp sản phẩm trên mẩu quảng cáo dán ở những vị trí vi phạm nằm ngoài ý muốn của chủ sản phẩm hoặc thậm chí là chơi xấu, hạ uy tín nhau.
Ví dụ, cơ quan chức năng phát hiện mẩu quảng cáo sai chỗ thì xử phạt chủ sản phẩm. Tuy nhiên, việc dán mẩu quảng cáo thì chủ sở hữu không hề biết. Hoặc đối với các sản phẩm của các công ty đa quốc gia, công ty có nhiều công ty con, đơn vị liên doanh, qua nhiều nhà phân phối, đại lý... việc sản phẩm xuất hiện trên mẩu quảng cáo nằm ngoài kế hoạch, mong muốn của chủ sản phẩm thì không dễ xử phạt họ.
Chưa kể, thực tế đã có trường hợp mẩu quảng cáo đưa thông tin quảng cáo về nền đất, căn hộ, trung tâm dạy thêm, sửa cầu cống nghẹt... kèm theo thông tin, số điện thoại của người đại diện, chủ sở hữu sản phẩm, dịch vụ nhưng do người, tổ chức khác thực hiện nhằm phá rối, bôi nhọ uy tín.
* Luật sư NGUYỄN QUANG NGỌC (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Mô tả quy định rõ ràng hơn Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cần phải làm rõ đối tượng bị xử phạt gắn liền với hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp chủ thể có hành vi làm trái (lỗi) thì sẽ bị xử phạt và nhận hậu quả (chế tài). Nếu người có hàng hóa, dịch vụ ký kết hợp đồng với cá nhân, tổ chức có chức năng quảng cáo thì trách nhiệm thuộc về người thực hiện hành vi quảng cáo nếu có vi phạm. Như vậy việc xử phạt người có hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp này được coi là cách “không quản được thì cấm”. Mọi hành vi bị xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo phải xử lý theo Luật quảng cáo. Trường hợp mục 3, điều 61 nghị định 28 (quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội) là cụ thể hóa điều 8 Luật quảng cáo (các hành vi bị cấm). Do vậy nếu các cá nhân, tổ chức biết rằng việc thực hiện hành vi đó là trái với quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt là chuyện đương nhiên (ví dụ, các cá nhân, tổ chức không có chức năng quảng cáo nhưng thuê người phát tờ rơi, treo băngrôn... quảng cáo cho đơn vị mình mà vi phạm quy định pháp luật thì đương nhiên bị phạt). Trường hợp xử phạt người có hàng hóa, dịch vụ như đề cập trên nhằm hạn chế việc cá nhân, tổ chức thông qua các cá nhân không có chức năng quảng cáo thực hiện hành vi bị cấm. Tuy nhiên để các quy định của luật đi vào cuộc sống cần tuyên truyền giải thích để các chủ thể biết và không thực hiện. Đối với khoản 3 điều 61, tôi cho rằng cần có mô tả quy định rõ ràng hơn, nếu không việc xử phạt không những không khả thi mà còn có thể gây ra sự tùy tiện khi áp dụng luật, đồng thời đơn vị thực thi có thể bị đối mặt với các vụ kiện nếu gây thiệt hại cho chủ thể có quyền quảng cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận