Phóng to |
Các chiến sĩ trong tổ nghiệp vụ cho tài xế xem các lỗi vi phạm được camera ghi lại trước đây - Ảnh: Mậu Trường |
Tổ nghiệp vụ này đi vào hoạt động ngay trong ngày để khắc phục tình trạng hàng ngàn xe vi phạm Luật giao thông bị ghi hình qua hệ thống camera nhưng chủ xe chưa nộp phạt.
Cho tài xế xem lại hình ảnh vi phạm
Theo kế hoạch, từ hôm nay đến hết ngày 11-12, tổ nghiệp vụ sẽ nhắc nhở đối với các xe vi phạm nhưng chưa đóng phạt phải đóng phạt theo thời gian quy định. Từ ngày 12-12, tổ công tác sẽ chính thức xử phạt theo quy định (tạm giữ giấy phép lái xe, tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, tạm giữ phương tiện... tùy mức độ vi phạm). |
Theo PC67, việc xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera thời gian qua được triển khai nghiêm túc, nhưng việc chấp hành quyết định xử phạt qua hình ảnh hiện nay tương đối thấp.
Từ đầu năm 2013 đến nay, PC67 đã gửi giấy thông báo vi phạm Luật giao thông đường bộ cho 29.910 tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có khoảng 4.266 trường hợp đã được gửi phiếu báo vi phạm lần thứ ba nhưng chưa chịu nộp phạt. Trước thực trạng này, tổ nghiệp vụ nói trên được thành lập nhằm tăng cường năng lực cưỡng chế, xử lý triệt để các hành vi vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát.
Tổ nghiệp vụ gồm có bộ phận kỹ thuật và bộ phận tuần tra. Bộ phận kỹ thuật được trang bị máy tính xách tay kết nối với hệ thống dữ liệu được cập nhật thường xuyên từ PC67.
Khi phát hiện xe vi phạm, cán bộ kỹ thuật sẽ thông báo cho tổ tuần tra kiểm soát ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra theo đúng quy trình và lập biên bản theo các lỗi do bộ phận kỹ thuật cung cấp.
Trường hợp tài xế là người trực tiếp điều khiển xe vi phạm Luật giao thông được phát hiện trước đó bằng camera giám sát thì tổ công tác sẽ lập biên bản lái xe theo lỗi đã vi phạm trước đó (dựa vào giấy thông báo vi phạm đã được chuyển cho chủ xe trước đó), đồng thời giữ giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan theo quy định.
Trường hợp tài xế không phải là người điều khiển xe vi phạm Luật giao thông được phát hiện trước đó thì tổ công tác vẫn lập biên bản vi phạm (dựa vào giấy thông báo vi phạm đã được chuyển cho chủ xe trước đó) nhưng tài xế ký tên vào biên bản với tư cách là người chứng kiến nội dung biên bản của tổ công tác.
Trường hợp này, tổ công tác sẽ giữ các giấy tờ liên quan đến xe (như giấy chứng nhận đăng ký xe, sổ kiểm định...) nhưng không tạm giữ giấy phép lái xe của tài xế. Sau đó, tài xế có nghĩa vụ thông báo cho chủ xe đến cơ quan chức năng đóng phạt.
Trong cả hai trường hợp trên, nếu tài xế không có đủ các giấy tờ liên quan đến xe vi phạm, tổ công tác sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ xe để đảm bảo việc cưỡng chế xử phạt theo quy định. Người vi phạm có quyền yêu cầu xem lại hình ảnh vi phạm trước đó để đảm bảo tính khách quan.
30 phút “truy tìm” được 22 xe vi phạm
Ngay trong ngày đầu ra quân, tổ công tác đã chốt chặn tại đường hầm sông Sài Gòn và phát hiện gần 100 trường hợp xe vi phạm Luật giao thông bị camera giám sát ghi hình trước đó và đã ba lần gửi giấy thông báo vi phạm hành chính nhưng chưa nộp phạt.
Theo quy trình, một cán bộ kỹ thuật được bố trí ngồi ở phía đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.1) để nhập vào máy tính biển số xe của những xe chạy vào đường hầm. Hệ thống dữ liệu của PC67 sẽ trả lời kết quả chiếc xe vừa nhập dữ liệu từng vi phạm hay chưa. Nếu phát hiện xe vi phạm và chưa đóng phạt, cán bộ kỹ thuật sẽ thông báo cho tổ tuần tra chặn xe để kiểm tra và thông báo các lỗi vi phạm cụ thể cho tài xế.
Vừa chạy qua đường hầm sông Sài Gòn hướng về Q.2, ôtô bốn chỗ biển số 56S-43... bị cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Sau khi xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan, tài xế N.T.L. được tổ công tác cho xem giấy thông báo vi phạm hành chính được lưu trên máy tính của cảnh sát giao thông.
Giấy thông báo nêu rõ từ ngày 4-8 đến 17-10-2013, ôtô này đã năm lần vượt quá tốc độ cho phép khi đi qua đường hầm sông Sài Gòn. Cảnh sát giao thông cho biết đã gửi giấy thông báo lỗi vi phạm hành chính nhưng đến nay chủ xe vẫn chưa nộp phạt...
Tiếp đến, ôtô biển số 56S-10... bị cảnh sát giao thông thổi lại. Tài xế được thông báo xe này đã ba lần chạy quá tốc độ khi đi qua đường hầm sông Sài Gòn vào các ngày 2, 10 và 17-10-2013. Cảnh sát giao thông đã ba lần gửi giấy thông báo vi phạm đến chủ xe nhưng đến nay chủ xe vẫn chưa nộp phạt.
Trong sáng 2-12, có rất nhiều tài xế tỏ ra ngỡ ngàng khi bị cảnh sát giao thông thông báo các lỗi vi phạm của xe mình điều khiển trước đó. Anh P.V.S., tài xế taxi Vinasun, cho biết do mới nhận xe nên không biết các lỗi vi phạm trước đây. “Tôi nghĩ nếu cảnh sát giao thông thu giấy đăng ký xe thì tôi đâu dám lái xe đi rước khách, mặc dù tôi không hề vi phạm?” - tài xế S. phân trần.
Trả lời về việc nhiều chủ xe phản ảnh họ không nhận được thông báo vi phạm hành chính, lãnh đạo PC67 cho biết tổ công tác sẽ cho chủ xe xem trực tiếp thông báo mà cảnh sát giao thông đã gửi về cho địa phương trước đó, đồng thời in ra và đưa trực tiếp cho lái xe.
Trường hợp xe bị ghi hình vi phạm không chính chủ sẽ xử lý ra sao? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo PC67 cho biết trong trường hợp xe bị ghi hình vi phạm từ thời chủ cũ thì chủ mới phải phối hợp, hỗ trợ cảnh sát giao thông để xác định người điều khiển xe vi phạm. Tương tự, nếu xe bị ghi hình trong quá trình cho mượn thì chủ xe phải hỗ trợ cảnh sát giao thông xác định người đã điều khiển xe vi phạm trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận