Con số mà như chính ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) nhận xét: "Nếu mức xử phạt chỉ là 3,5 triệu đồng thì chả nhằm nhò gì đến đơn vị tổ chức biểu diễn".
Quả thật, cứ so con số này với số tiền mà nhà tổ chức phải bỏ ra, hoặc chỉ cần so với số tiền thù lao nhà tổ chức phải trả cho cô ca sĩ ăn mặc phản cảm xuất hiện trong chương trình thì 3,5 triệu đồng chả đáng là bao.
Phóng to |
Hình ảnh người nổi tiếng "lộ hàng" tràn ngập trên mạng - chuyện từng được TTO đề cập từ tháng 11-2010 |
Cái kiểu xử phạt hành chính ấy giống như cho có, răn đe chẳng thấy đâu mà có khi còn tạo hiệu ứng ngược, thậm chí nói không ngoa, chính là hành động dung túng, gián tiếp tiếp tay cho sai phạm.
Ví dụ, những người chưa tên tuổi sẵn sàng "phản cảm" và chịu phạt một khoản tiền chả bõ bèn gì nhưng từ đó được nhiều người biết đến; những tên tuổi đã qua bên kia sườn dốc cũng mượn cách này để níu kéo những ngày tháng tên tuổi được xuất hiện trên mặt báo.
Vấn đề ở đây cũng không chính là số tiền bao nhiêu, mà còn có thể là những biện pháp khác nữa, nhằm vào trách nhiệm của những cá nhân liên quan vụ việc. Trong vụ việc này, giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ quảng cáo quốc tế JITA không có trách nhiệm liên quan ư? Ca sĩ Minh Hằng là người ăn mặc phản cảm - nguyên nhân chính của vụ việc này - không bị gì ư?
Nếu cho rằng những cá nhân này có liên quan nhưng ngoài tầm xử lý của Sở VH-TT&DL Quảng Bình, thì vai trò của những cơ quan chức năng quản lý văn hóa khác ở đâu?
Cần nhớ rằng những chuyện phản cảm tương tự như thế không phải lần đầu tiên xuất hiện và không phải là chuyện cá biệt. Cứ giơ cao đánh khẽ, cứ phạt như gãi ngứa thì chính các nhà quản lý văn hóa chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm cho những chuyện phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn diễn, các trang mạng...
* Ngành chủ quản cần mạnh tay
3,5 triệu đồng không bằng một cuộc nhậu của một sao Phạt 3,5 triệu đồng liệu có đủ để răn đe? Phải ít nhất từ 50-100 triệu đồng. Phạt quá nhẹ Tôi nghĩ chỉ phạt 3,5 triệu đồng là quá nhẹ, chưa thật sự nghiêm. |
Trong thời điểm hiện nay, khi mà nền văn hóa đang có sự giao thoa dữ dội giữa truyền thống và các nền văn hóa thế giới thì những sự việc phản cảm do sự kém hiểu biết của chính bản thân người biểu diễn về "văn hóa - văn minh" phải được sự dẫn dắt, quản lý chặt chẽ của ngành VH-TT&DL.
Hình ảnh nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên... không chỉ gây tác động đến những khán giả đã trưởng thành mà còn ảnh hưởng lớn đến thanh thiếu niên. Các em ở tuổi mới lớn thường rất thần tượng các ca sĩ, diễn viên, xem họ như một hình mẫu để noi theo, làm theo.
Ngày nay, bước ra đường hay đến trường học chúng ta thấy giới trẻ ăn mặc, đầu tóc rất "mốt", rất "sành điệu" y hệt các ca sĩ, diễn viên. Lắm khi những kiểu tóc, quần áo đó không phù hợp chút nào với độ tuổi, môi trường, không gian nơi các em đang sinh hoạt. Chúng rất phản cảm, nhưng vì muốn giống thần tượng nên các em vẫn thích.
Nói vậy để thấy giới văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, đạo đức, lối sống của con người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Vậy họ cần có trách nhiệm rất cao trong cung cách ứng xử và vẻ ngoài của mình. Ngành chủ quản cần mạnh tay, kiên quyết trong xử lý vi phạm. Trên bầu trời nghệ thuật có thiếu gì những ngôi sao đẹp, ngại gì mà không dám phạt những ngôi sao mới chỉ hơi lóe sáng mà đã có tì vết hoặc những ngôi sao đã không còn đẹp nữa?
Vi phạm trong biểu diễn sao giống vi phạm giao thông?
Rõ ràng với mức phạt tiền như trên tôi cho rằng luật pháp thiếu nghiêm minh và không mang tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực biểu diễn. Xét trong trường hợp này, mức phạt của luật pháp hình như hoàn toàn không có ý nghĩa gì.
Một công ty lớn có đầy đủ tư cách pháp nhân và mang tầm vóc biểu diễn… “quốc tế” nếu hiểu theo đúng nghĩa thì liệu mức phạt nhẹ hều như vậy có đủ sức ngăn chặn được việc “tái phạm” hoặc làm gương đối với các công ty, tổ chức biểu diễn khác?
Một điều không thể chối cãi là trong đêm diễn đó hàng ngàn khán giả đã bỏ tiền mua vé đến xem một đêm biểu diễn nghệ thuật đúng nghĩa nhưng hoàn toàn thất vọng vì đêm diễn “phi nghệ thuật” và khoản lợi nhuận của công ty thu về là không thể nào so sánh với mức phạt như trên?
Tôi cũng không đồng tình với ý kiến so sánh của những người quản lý văn hóa khi cho rằng hành vi vi phạm trong trang phục biểu diễn cũng chỉ có thể xử phạt như vi phạm luật giao thông hay xử phạt lấn chiếm vỉa hè…? Đó là cách so sánh hết sức khập khiễng và không đúng. Hành vi vi phạm luật giao thông (hay lấn chiếm vỉa hè) là hành vi của mỗi cá nhân có thể do những nguyên nhân khác nhau tạo nên hành vi vi phạm còn đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn không thể đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan được mà người nghệ sĩ trước khi họ xuất hiện trước công chúng buộc họ phải chỉn chu và nhìn nhận lại mình.
Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực biểu diễn không chỉ có cá nhân vi phạm mà còn có sự vi phạm cả một tập thể rất nhiều người. Cạnh đó hình ảnh biểu diễn với trang phục phản cảm, gợi dục sẽ được lan truyền rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay.
Với mức phạt tiền quá nhẹ như trên thì rõ ràng pháp luật của ta chưa thực sự đi vào đời sống, các công ty biểu diễn nghệ thuật, cá nhân người mẫu, diễn viên, ca sĩ… sẽ còn tiếp tục vi phạm dài dài và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận