Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - khẳng định thời gian qua, các đơn vị ở TP.HCM cùng thực hiện nhiều chính sách, hành động đạt hiệu quả cao trong quản lý giao thông đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Có trường hợp phạt nguội 200 triệu đồng
Theo ông Lâm, qua 6 tháng triển khai thí điểm, TP.HCM dự kiến xử phạt nguội xe quá tải hơn 28,6 tỉ đồng, bước đầu hiệu quả giảm gần 91% vi phạm so với trước đó.
Từ thời điểm triển khai đến tháng 5-2024, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp nhận kết quả phiếu cân từ 3 trạm cân thí điểm gồm: trạm cầu Ông Lớn (quận 7), trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng đi về An Lạc) và trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng đi về An Sương).
Dựa vào kết quả cân, các đơn vị lập hồ sơ vi phạm và gửi thông báo đến 2.108 chủ xe và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 658 trường hợp.
Nhiều chủ xe đã chấp hành với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 15,6 tỉ đồng, số tiền dự kiến xử phạt vi phạm hành chính hơn 28,6 tỉ đồng.
Ngoài ra có phạt bổ sung tước giấy phép lái xe, phù hiệu một số trường hợp.
Trong đó, có những trường hợp thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải TP.HCM ra quyết định xử phạt hơn 200 triệu đồng đối với chủ xe và tài xế. Một số chủ xe vi phạm đến năn nỉ, cam kết không tái phạm.
"Có thể thấy rõ ràng việc phạt nguội xe quá tải hiệu quả, minh bạch và tính răn đe chấn chỉnh ý thức tài xế, chủ xe rất cao. Người vi phạm sẽ cân nhắc giữa số tiền thu được khi chở quá tải và tiền nộp phạt để chấn chỉnh cho phù hợp. Thời gian tới, sau thí điểm, các đơn vị sẽ nghiên cứu mở rộng phạt nguội xe quá tải ở những trạm cân còn lại trên địa bàn TP.HCM" - ông Lâm đánh giá.
Tăng ứng dụng công nghệ
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng thông tin hiện nhiều trục đường ở TP.HCM đã ứng dụng công nghệ để quản lý, hướng tới điều khiển giao thông linh hoạt giúp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cụ thể, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM đang triển khai dự án với các kịch bản có sẵn và sẽ đo đếm lưu lượng, phân tích tình hình giao thông để tối ưu hóa dòng xe giúp giao thông thông thoáng.
Trung tâm phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025, khi hoàn tất dự án cũng giải quyết được tổ chức giao thông khu sân bay Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt khi nhà ga T3 và dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hoàn thiện thì công tác điều hành giao thông từ xa cũng hiệu quả.
Đối với khu vực sân bay này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết đang nghiên cứu đường trên cao từ quốc lộ 22 đến đường Trường Chinh, Cộng Hòa nối vào Tân Sơn Nhất…để đồng bộ hạ tầng giao thông.
Ông Lâm khẳng định sẽ chú trọng giải quyết triệt để các vấn nạn như “xe dù, bến cóc”, phối hợp các lực lượng thanh kiểm tra quyết liệt hoạt động kinh doanh vận tải như đã làm với Thành Bưởi.
Về lâu dài, sở kiến nghị nâng cấp sử dụng dữ liệu GPS, pháp lý hóa dữ liệu để đưa vào quản lý, xử lý vi phạm căn cơ.
Thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM 4.800 tỉ
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm, thời gian qua các đơn vị đã triển khai thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè, thu phí hạ tầng cảng biển… với mục tiêu quản lý giao thông đô thị tốt hơn.
Riêng kết quả thu phí hạ tầng cảng biển đến nay đã đạt 4.800 tỉ đồng với mức thu 7 tỉ/ngày, được người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Phí này hòa vào ngân sách TP.HCM quay trở lại đầu tư vào dự án vành đai 2 TP.HCM với khoảng 13.000 tỉ đồng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận