Thực trạng giao thông đô thị xấu xí hơn khi phần đông người đi xe máy vẫn theo thói quen không tuân thủ luật giao thông.
Cuối tháng 3, chị N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tá hỏa khi nhận được thông báo vi phạm giao thông từ cơ quan công an.
1 tháng 26 lần vi phạm
Nội dung thông báo cho biết trong một tháng trước đó, hệ thống camera giám sát đã ghi nhận 26 lần vi phạm liên quan đến chiếc xe má y của chị. Sự việc sau đó gây xôn xao trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội.
Kết quả từ Công an huyện Hiệp Hòa cho thấy có 10 lần người cầm lái xe máy của chị T. không đội mũ bảo hiểm và 16 lần vượt đèn đỏ.
"Do chủ quan quãng đường ngắn, tôi nhiều lần chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm mà chỉ đội mũ cối. Còn về lỗi vượt đèn đỏ, do nhà tôi nằm ngay ngã tư, đôi khi chạy xe từ nhà sang bên đường không để ý nên đã vi phạm", chị T. nói.
Hơn 1.300 là số camera được trang bị tại các nút giao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự, các camera này có nhiệm vụ phát hiện ghi nhận các trường hợp vi phạm giao thông. Việc thông báo, xử lý phạt nguội được giao về công an các huyện phụ trách.
Chị T. nói từ khi sự việc của mình được lan truyền, nhiều người đã ý thức hơn khi tham gia giao thông như đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ.
Tuy nhiên, những người bị camera ghi nhận nhiều lần trước đó lại lâm vào khó khăn trong việc xoay xở số tiền nộp phạt quá lớn, có những người vi phạm hàng chục lần.
1 người đi sai, trăm người chịu khổ
Giao lộ đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngày nào cũng ùn ứ xe giờ cao điểm.
Sáng 25-4, từ 8h sáng, điểm này lại "đứng bánh" bởi lượng xe máy và ô tô dồn vào quá lớn khiến dòng người vật vã, chen chúc để thoát qua.
Trong vòng 20 phút, hàng loạt xe máy nối nhau cùng vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lề, hầu hết ngó lơ luôn hiệu lệnh cảnh sát giao thông có mặt tại chỗ.
Khi đèn vàng sáng lên, dòng xe đang đi theo hướng từ đường song hành ra nút giao An Phú bắt buộc phải dừng lại. Tuy nhiên, 3-4 xe máy đang ở đầu dòng cố ý rướn lên vượt qua, một thanh niên ngó ngang ngó dọc rồi rồ ga vượt lên, 5-6 xe khác phóng theo băng qua đường vừa lúc đèn đỏ bật sáng.
Dòng người vừa vượt lên không ai thèm nhìn tín hiệu đèn. Lúc này, dòng xe từ đường Nguyễn Thị Định cũng bắt đầu ào lên đi theo hiệu lệnh đèn xanh. Hai dòng xe cài vào nhau, cuối cùng bên nào cũng kẹt lại.
Dòng xe phía sau tiếp tục dồn lại mỗi lúc một đông đúc hơn, bấm còi inh ỏi. Một người giao hàng bắt đầu mất kiên nhẫn, anh len lỏi vào làn ô tô bên cạnh, luồn lách vào các khoảng trống giữa các ô tô với nhau, tạt ngang đầu xe bất chấp nguy hiểm.
Tầm 15 giây sau, anh đã len ra được sát mép đường Nguyễn Thị Định rồi leo lên vỉa hè chạy ngược chiều về hướng cầu Giồng Ông Tố. Thấy vậy, 2-3 xe máy khác gần đó liền chạy theo nối đuôi. Một chị chở theo con nhỏ không đội nón bảo hiểm cũng bất chấp phóng theo. Tình trạng càng thêm hỗn loạn.
Anh cảnh sát giao thông một mình "tả xung hữu đột" vẫn không thể điều chỉnh dòng xe máy hàng trăm chiếc đang mạnh ai nấy chạy theo ý mình.
Khi cảnh sát giao thông ra hiệu ô tô từ hướng đường song hành ra Mai Chí Thọ ngừng, xe máy vẫn cứ ngang nhiên "ngó lơ" luôn hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Anh cảnh sát giao thông chen vô giữa giao lộ, hai tay hai hướng, thổi còi liên tục để gây sự chú ý các dòng xe nhưng hàng trăm xe máy vẫn luồn lách, leo lề... Cảnh sát giao thông điều tiết vật vã gần 15 phút sau giao thông mới ổn định trở lại.
Anh Lê Mạnh Trường (tài xế ở Cát Lái, TP.HCM):
Lái ô tô nhưng chịu áp lực từ xe máy
Cách đây mấy ngày, tôi chở người thân đi công việc, xe đang chạy bình thường trên làn đường hỗn hợp (với tốc độ tầm 60km/h) thì bất ngờ một xe máy đi phía trước thắng lại đột ngột. Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cũng không bật xi nhan hay phát ra tín hiệu nào.
Có lần người bạn tôi chạy xe container vào bãi để nghỉ ngơi. Đến đoạn đang dừng đèn đỏ, một xe máy dừng ngay trước đầu xe mà bạn tôi không hề hay biết (xe máy rơi vào điểm mù). Khi đèn sắp bật xanh, cô gái đi xe máy đá xi nhan rồi rẽ trái. Lúc này, bạn tôi mới hoảng hồn, nếu trước đó vội vã đạp ga thì vô cùng nguy hiểm.
Suốt nhiều năm lái ô tô, xe container... tôi gặp vô số lần cảnh xe máy chạy rất ẩu, cắt ngang đầu xe, gặp kẹt xe thì áp sát vào xe tải lớn rất nguy hiểm.
Ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... người cầm vô lăng ô tô, xe tải thực sự rất áp lực mỗi khi đi lại trên đường. Áp lực lớn nhất là luôn cố gắng căng mắt để phản ứng kịp với dòng xe máy ken đặc và luồn lách, len lỏi ngay trước đầu xe bất cứ lúc nào.
Ngoài ra còn phải có tinh thần thép để luôn cư xử đúng mực khi tham gia giao thông, không để xảy ra cãi vã.
Phạt nguội xe máy ở TP.HCM thế nào?
Theo Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM (PC08), việc phạt nguội xe máy trên địa bàn TP.HCM cũng được thực hiện nhiều năm nay. Trong quý 1-2024, riêng xe máy đã có hơn 16.500 trường hợp vi phạm đã được PC08 gửi giấy phạt nguội về địa chỉ nhà.
Một cán bộ cảnh sát giao thông thuộc PC08 chia sẻ thêm lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phạt nguội dựa trên dữ liệu hình ảnh trích xuất từ camera giao thông, camera cầm tay do các tổ cảnh sát giao thông ghi hình trong quá trình tuần tra...
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM có hệ thống camera bắn tốc độ, thậm chí ghi nhận lỗi vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường... cập nhật về hệ thống. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xác định biển số xe, truy xuất thông tin để gửi thông báo vi phạm.
Dù vậy, quá trình xử lý phạt nguội xe máy vẫn còn gặp nhiều trường hợp xe chưa sang tên đổi chủ nên mất thời gian xác minh. Hiện nay quy định mới về biển số định danh sẽ giúp đồng bộ dữ liệu, từ đó công tác phạt nguội cả ô tô và xe máy đều sẽ hiệu quả hơn giúp cải thiện giao thông.
"Phạt nguội đối với ô tô hay xe máy ngày càng siết chặt thì góp phần nâng cao ý thức người dân, đảm bảo an toàn giao thông khi đi lại", vị này nói.
- Thượng tá Lê Tấn Sỹ (phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên):
Cần thiết tăng cường phạt nguội người đi xe máy
Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra thì cần phải xử phạt nguội lẫn phạt nóng những người đi mô tô, xe máy không đúng luật giao thông.
Theo thống kê, phân tích về các vụ tai nạn giao thông thì lúc nào tai nạn giao thông do xe máy gây ra cũng chiếm phần lớn hơn các phương tiện khác, cho nên việc phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông là điều cần thiết để hạn chế tai nạn.
Trong việc xử lý phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông thì cũng có nhiều khó khăn với những trường hợp xe đã bán cho người khác nhưng không sang tên đổi chủ theo quy định. Thông báo được gửi tới cho người chủ cũ nên thành ra rất khó để xử lý rốt ráo.
- Thượng tá Cao Văn Thịnh (phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc):
Thêm hành lang pháp lý
Việc phạt nguội không phân biệt loại phương tiện. Chỉ cần phát hiện vi phạm, cảnh sát sẽ xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý phạt nguội ô tô và xe máy lại có sự khác biệt lớn.
Đối với ô tô, quá 20 ngày người có liên quan không tới giải quyết, phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm. Chính vì vậy, chủ xe vi phạm chấp hành rất nghiêm túc.
Với xe máy, dù ghi nhận vi phạm nhiều, cảnh sát giao thông đã gửi thông báo về tận địa phương nhưng nhiều trường hợp người vi phạm (và chủ xe) không hợp tác.
Có những vụ việc nghiêm trọng, tổ công tác của chúng tôi đi xác minh ba tuần chưa thể tìm ra người vi phạm do xe đã bán từ lâu. Có nhiều trường hợp xe đang đi nhưng họ lại nói rằng đã bán, gây khó khăn cho quá trình xác minh.
Về giải pháp thông tư 24/2023 của Bộ Công an có quy định: tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe.
Cùng với việc định danh biển số, đây được coi là những hành lang pháp lý để việc phạt nguội xe máy có hiệu quả cao hơn.
- PGS.TS Vũ Anh Tuấn (giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải):
Chế tài chủ xe bằng cách nào?
Nếu một người mượn xe máy và vi phạm thì chủ phương tiện có phải chịu trách nhiệm hay không? Nếu có thì có chế tài bằng cách nào, điều này cần quy định rõ. Số lượng xe máy lưu thông gấp hàng chục lần ô tô. Do vậy, việc ràng buộc quản lý đối với xe máy thông qua đăng kiểm là không khả thi. Nguồn lực và chi phí là rào cản lớn.
Trong ngắn hạn, cần có biện pháp tăng cường kết hợp giữa phạt nóng và phạt nguội. Tức là khi phát hiện vi phạm, hệ thống giám sát sẽ gửi thông báo ngay cho tổ cảnh sát giao thông gần nhất.
Nên có chiến dịch tăng cường xử phạt, trong đó chú trọng vào vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm... Từ đó, tạo tính răn đe trong lúc hoàn thiện cơ sở pháp lý và dữ liệu định danh biển số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận