Thí nghiệm cho thấy sự khác biệt giữa bồn cầu được phủ LESS (trái) và không phủ LESS - Nguồn: YOUTUBE
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) vừa chế ra một lớp phủ chống dính cho bồn cầu có thể giữ nó "sạch không tì vết", vừa tiết kiệm nước vừa đỡ mất công chùi rửa.
"Nhìn thấy mấy thứ đó trượt khỏi bề mặt sướng dễ sợ", phó giáo sư Tak-Sing Wong, một thành viên của nhóm nghiên cứu không giấu được cảm xúc khi chia sẻ với The Guardian.
Lớp phủ do nhóm của ông Wong chế tạo có thể giúp giảm tới 90% khả năng bám dính của phân và các loại vi khuẩn khác trong bồn cầu. Điều này có thể giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước dội rửa.
"Hơn 140 tỉ lít nước ngọt được sử dụng mỗi ngày để dội bồn cầu trên toàn thế giới, gấp 5 hoặc 6 lần lượng nước tiêu thụ của châu Phi. Trong lúc hàng triệu người trên toàn cầu đang phải sống trong cảnh thiếu nước, nhóm chúng tôi hi vọng việc giảm được lượng nước dội bồn cầu có thể giúp cải thiện vấn đề", ông Wong chia sẻ.
Wong bắt đầu để tâm đến những thứ trong nhà vệ sinh, đặc biệt là chiếc bồn cầu từ năm 2015. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cranfield (Anh) đã liên lạc với ông và nhờ giúp đỡ trong quá trình thiết kế nhà vệ sinh cho các nước đang phát triển và kém phát triển.
Tuy nhiên, nhóm này nhận thấy bồn cầu họ thiết kế thường để lại "bằng chứng" sau mỗi lần sử dụng, khiến phải tốn nhiều nước và thời gian chùi rửa hơn. Họ quyết định cậy nhờ nhóm của ông Wong.
Quá trình tạo ra lớp phủ chống dinh cho bồn cầu gồm hai bước. Đầu tiên người ta sẽ phun một lớp cơ sở gồm hàng tỉ sợi lông kích thước nano, với mỗi sợi mỏng hơn tóc người 1 tỉ lần. Kế đến, để khiến bề mặt này trơn trượt, người ta phun tiếp một lớp dầu mịn lên trên. Toàn bộ quá trình phủ chỉ khoảng 5 phút.
Nhóm nghiên cứu của phó giáo sư Wong - Ảnh chụp màn hình
Nghĩ xong lớp phủ, nhóm của ông Wong bắt tay vào việc thử nghiệm thực tế nhờ sự trợ giúp của 3 tình nguyện viên giấu tên. Các nhà nghiên cứu cũng xem độ chống dính hiệu quả tới đâu nếu người sử dụng đã ăn nhiều loại thức ăn khác nhau bằng cách tạo ra một loại phân tổng hợp.
Kết quả cho thấy lớp phủ tên "LESS" thật sự hiệu quả và có thể bám trên bề mặt sau 500 lần xả nước. Tuy nhiên, nếu được phủ lên bồn tiểu, con số này tụt xuống chỉ còn 50 lần. Các lớp phủ có thể được phun lại sau đó.
Mark Miodownik, một giáo sư tại Đại học London (Anh) nhận định lớp phủ của nhóm ông Wong là sự đột phá giống như việc người ta đã nghĩ ra lớp chống dính cho những chiếc chảo vậy.
Tuy nhiên ông Miodownik tỏ ra băn khoăn trước câu hỏi nếu lớp phủ LESS được thương mại hóa, liệu việc sản xuất chúng có gây hại gì cho môi trường hay không bởi về cơ bản lớp phủ này vẫn là hóa chất.
Một số người cho rằng lớp phủ của nhóm ông Wong xứng đáng nhận Ig Nobel - một giải thưởng nhại theo giải Nobel danh tiếng - "thoạt đầu tiên làm con người cười, nhưng sau đó khiến họ suy nghĩ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận