Theo ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An, vì tính chất đặc biệt nên Chùa Cầu là tâm điểm chú ý của dư luận, giới nghiên cứu văn hóa và cả du khách từ khi dự án tu bổ bắt đầu.
Nâng niu từng mẩu hồ, viên gạch Chùa Cầu
Theo ông Sơn - đến cuối tháng 10 này đã hạ giải xong công trình, gia cố phần móng.
Để đảm bảo giữ tối đa tính nguyên vẹn của di tích nên quá trình làm thì từng viên ngói, mộng gỗ, mẩu hồ vữa cũng phải nhẹ nhàng, cẩn trọng. Hàng ngàn chi tiết được tháo ra, đánh dấu kỹ lưỡng và bọc gói cẩn thận.
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết do thời gian sử dụng quá lâu nên khi hạ giải, Chùa Cầu trong tình trạng xuống cấp rất nặng.
Tuy nhiên quá trình hạ giải cũng phát lộ nhiều thông tin thú vị.
Cụ thể: Phát hiện nhiều vỏ hến tại vị trí hố đào phần sau chùa và miếu Ngũ Hành, nhiều đá tại các vị trí giữa móng cầu và đường hẻm bên cầu, một khối lớn vữa vôi cứng, đất sét và các viên gạch xây tại vị trí hướng đường Trần Phú.
Tại vị trí một móng, đơn vị thi công cũng phát hiện 3 phiến đá có khắc 3 chữ. Dự đoán đây là 3 viên đá được chọn lựa để đặt đầu tiên trong lễ trí thạch (làm phép) khi dựng chùa.
Tại vị trí hệ mái ngói âm dương đầu cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng phát hiện một hình vẽ mặt trên viên gạch. Đây có thể là 2 chữ "lôi lệnh" viết nối nhau (雷令), là một dạng làm phép để chống sét của người xưa.
Các đơn vị cũng phát hiện một số loại đinh tán xòe dài 7-12cm dùng để liên kết các cấu kiện gỗ. Kỹ thuật dùng đinh tán này đã có hơn 100 năm, đinh sử dụng nhiều tại các vị trí đòn tay, rui, ván sàn, đà sàn…
Hầu hết cấu kiện dầm tại phần chùa và các cấu kiện có đầu mộng đuôi cá tại phần cầu là gỗ lim, kiền kiền, gỗ chua...
Tôn trọng tối đa nguyên bản của Chùa Cầu
PGS.TS Đặng Văn Bài - phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho rằng nguyên lý bất di bất dịch của tu bổ là phải giữ nguyên gốc giá trị, nhưng cũng phải giữ cho di sản đảm bảo được công năng.
Chùa Cầu là công trình đặc biệt, vừa chùa lại vừa cầu, vừa là thiết chế tôn giáo. Yêu cầu về tính bền vững, thẩm mỹ, trong đó yếu tố đặc trưng thẩm mỹ của cộng đồng cư dân Hội An phải được lưu tâm.
"Chùa Cầu là công trình linh thiêng, là trọng tâm của bản quy hoạch đô thị cổ, là công trình có kiến trúc giá trị nghệ thuật. Chùa Cầu khi tu bổ xong thì phải hấp dẫn hơn" - ông Đặng Văn Bài nói.
Ông Bài cho rằng gỗ lim là vật liệu quen thuộc của kiến trúc Việt Nam. Do đó đây cũng nên là vật liệu chính cho cấu kiện chịu lực, dầm cầu cho Chùa Cầu.
Về màu sắc tường vôi, kết cấu, chi tiết từng vị trí của Chùa Cầu... thì cần để người Hội An quyết định, tham khảo ý kiến cư dân tại chỗ, chứ không nên áp đặt tư duy nhà khoa học.
Về loại ngói lợp, ông Bài tư vấn nên dồn ngói gốc còn tận dụng được về một khu vực mái để tạo thẩm mỹ. Những nơi sử dụng ngói mới thì phải tìm loại ngói y hệt như ngói cũ để hài hòa.
Bà Nara Hiromi - chuyên gia cao cấp Vụ Giáo dục phủ Kyoto - cho rằng vật liệu ở xà, đà Chùa Cầu cần sử dụng vật liệu gỗ lim như nguyên trạng. Tuy nhiên cần phải tìm nguồn gỗ lim đảm bảo.
Về trang trí các con giống trên bờ mái, bà Nara cho rằng cần gia cố và tận dụng lại những con giống còn trong tình trạng tốt. Về màu sắc hoàn thiện, bà Nara tư vấn cần quét lại các màu vôi mới giống như màu nguyên trạng.
Tuy nhiên khi quét lớp mới thì không nên cạo lớp vôi cũ, mà quét chồng lên, đi liền là phải có giải pháp đảm bảo.
Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính dành lời khen ngợi cách thức tu bổ Chùa Cầu mà Hội An đang làm. Cái hay nhất, theo ông là "tu bổ mở", nghĩa là không đóng kín, mà quá trình tu bổ thì khách vẫn xem, ngắm Chùa Cầu được.
Công trình mang giá trị đặc biệt
Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản. Di tích là sự kết hợp các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập giữa phương Đông và phương Tây, trở thành biểu tượng và là linh hồn của Hội An.
Trải qua hơn 400 năm, Chùa Cầu đứng trước nguy cơ đổ sập. Đầu năm 2022 dự án tu bổ được triển khai với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, dự kiến tháng 12 năm nay hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận