Một khán phòng trên lầu 5 tương đối tốt với ghế salon và một sân khấu nhỏ, tách biệt với không gian cà phê của quán. Khán phòng khá đông khách, chứng tỏ sự thu hút của anh Dưa Leo không phải là nhỏ lẻ. Mọi người xếp hàng gọi nước, còn đông hơn cả những quán cà phê take-away lớn.
Đang đứng đợi, người bạn đi cùng nhắc trước: kịch này vui nhưng mà hơi phô, hơi tục, nhớ chuẩn bị tinh thần... Đang định hình cái không gian kịch sắp được xem thì nhìn lên bức tường của quán thấy ngay những hình vẽ minh họa dễ thương, nhưng có mấy lời thoại đọc giật mình như “Vú nè, hửi đi”, “Mày có tin là tao sẽ nhét củ cà rốt này vào đít mày không?”...
Có lẽ, quán muốn đưa khách bước vào một không khí kịch “hài tục vui nhảm”... Hơi giật mình một chút nữa là giá vé, có thêm nước uống và bắp rang tới 360.000 đồng hai đứa, bằng cả vé xem một vở kịch ở sân khấu chính quy...
Không biết anh Dưa Leo có chuẩn bị sẵn kịch bản riêng cho buổi diễn hay không vì cảm thấy rằng anh nhớ tới đâu, nảy ra ý gì thì diễn tới ý đó, từ chuyện kẹt xe, chuyện chạy xe, chuyện cảnh sát giao thông, chuyện nội soi, chuyện lồng tiếng phim, chuyện người trực cấp cứu bệnh viện, chuyện về cái tay đặc biệt của anh, chuyện đi toilet, chuyện những nhà vệ sinh trong quán Vuvuzela, rạp CGV, chuyện đi thang máy...
Cái hay của Dưa Leo là giọng nói dày cảm xúc, có sự cảm thụ sắc bén muôn mặt cuộc sống đô thị, và biến những chi tiết của đời sống thành tiếng cười... Chắc có thể điều này đã giúp anh khẳng định cái tên của mình với thể loại kịch này.
Nhưng được vài ba câu thoại, anh Dưa Leo đã phát lộ phong cách kịch hài tục. Chưa kể anh còn văng tục để biểu cảm thêm cho câu chuyện độc thoại của mình.
Đặc biệt, anh Dưa Leo khai thác triệt để hình ảnh bộ phận sinh dục nam để gây cười cho khách, chẳng hạn như hai bạn trai chạy xe môtô là “gậy ông đập lưng ông”, hoặc “ngắn quá”, “dài quá”, “thấy rồi nha” khi nói về câu chuyện nhà vệ sinh, tiểu trên đường, hoặc đem so sánh với ống nội soi trực tràng...
Có những khúc cười được, có những khúc thấy dơ, nghe ớn ớn trong bụng.
Và cả khán phòng cứ cười rần rần, nghiêng ngả một cách khoái chí, thậm chí là vỗ tay hoan nghênh khi anh Dưa Leo pha những đoạn tục vào bài diễn, thậm chí là cười to khi anh Dưa Leo văng tục chửi thề... Có cả tiếng trẻ con hò hét.
Chắc rồi các bạn, các em sẽ “học” theo những lời tục tục vui vui mà anh Dưa Leo đã nói để bổ sung cho lời ăn, tiếng nói của mình.
Tìm kiếm trên mạng thì thấy anh Dưa Leo được không ít người tán thưởng. Tìm thông tin blog của anh Dưa Leo thì thấy lịch diễn đều đặn mỗi đêm ở nhiều quán cà phê... Anh chiều khán giả hay anh muốn định vị mình ở phong cách hài tục như thế?
Bên diễn, bên cười, nhưng sự “đến với công chúng” kiểu này thì giá trị của nghệ thuật, giá trị của người nghệ sĩ sẽ biết đặt vào đâu? Và khán giả sẽ nhận được gì hay cũng chỉ được bồi thêm cái xấu, lở thêm cái tốt!
Mỗi tuần Dưa Leo có ba suất diễn tại các quán cà phê ở Q.10, Q.3 và Q.Phú Nhuận với mỗi suất kéo dài khoảng 40 phút, giá vé trung bình cho một người đến xem (đã kèm một phần nước uống) khoảng 180.000 đồng/vé. Theo một chủ quán ở Q.10, “bình thường nếu không có Dưa Leo diễn, giá nước uống của chúng tôi khoảng 35.000 đồng/ly”. Có thể thấy khán giả đến xem chương trình phần lớn đều là người trẻ, đã từng biết hoặc xem Dưa Leo biểu diễn trước đây. Chất lượng những đêm diễn này thường không cao, ít nhất là so với chính những chương trình được Dưa Leo đầu tư thực hiện trên trang YouTube cá nhân, bởi nội dung mỏng, hài tản mạn, thiếu tinh tế... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận