Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn, góp ý để tìm ra biện pháp nhằm hạn chế, tránh những xung đột, đánh người không đáng có khi đi đường.
Trước khi đánh người, nhớ cho "đừng hổ báo cáo chồn rồi khóc lóc , hèn lắm"
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hành hung, đánh đập người khác một cách vô tội vạ chỉ vì nóng giận khi bị xe khác quẹt phải xảy ra khắp cả nước. Clip Bùi Thanh Khoa liên tục tát, đấm, thậm chí đạp thẳng chân vào đầu cô gái sau va chạm trên đường ở quận 4 (TP.HCM) mới đây khiến cộng đồng ngạc nhiên đến choáng váng. Đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán, phê phán, cho tới phẫn nộ với các hành vi hung hăng, côn đồ.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online thuật lại, chính họ từng bị uy hiếp, dọa nạt và đánh đập. Vấn đề lớn nằm ở chỗ ngọn nguồn bắt đầu từ một va quẹt nhỏ khi đi xe trên đường sá đông đúc, thậm chí người bị đánh là người đang đi đúng.
Như trường hợp của Nguyên, khi đang chạy ngoài đường thì đụng xe với đôi nam nữ lao vút từ hẻm ra. Nguyên không sai, tuy nhiên bạn lại nhận được cái lườm, "ánh mắt kiếm chuyện" của nam thanh niên. "Biết thế nên tôi giả vờ ngó lơ chỗ khá. Tôi mà không kiềm chế, nhìn "trả đũa" thì chắc có lẽ chuyện không hay xảy ra. May là tôi đã nhịn được", bạn đọc Nguyên viết.
Số đông các ý kiến mà bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online đều bày tỏ, tán thành việc phải xử phạt thật nặng với mọi hành động côn đồ, thiếu văn minh, ngang nhiên đánh người chỉ vì những lý do chẳng đáng.
Bạn đọc Trần Đăng Hiến viết: "Tôi mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm khắc để làm gương".
Bạn đọc Nguyễn Thanh Vân bình luận: "Nên nhớ câu một điều nhịn chín điều lành. Đừng hổ báo cáo chồn rồi khóc lóc ân hận khi đã muộn".
Phạt kịch khung, càng nặng càng tốt
Đừng nương nhẹ, vì những lời ăn năn đó đôi khi chỉ mong giảm nhẹ tội cho mình chứ không phải là ý thức hướng thiện, nhiều bạn đọc gay gắt. "Vì nhiều người có tính côn đồ, mà hình phạt thì chưa đủ để răn đe, nên những vụ đánh người vì va chạm giao thông vẫn cứ xảy ra. Cứ hành hung người khác là truy tố hình sự, bỏ tù, không cần phải có thương tích (nặng/nhẹ) hay chấp nhận tự hòa giải, thì mới mong dẹp được" - bạn đọc Khánh Hòa đề nghị.
"Cứ xử phạt tù thật nặng, bồi thường nhiều cho nạn nhân, đừng giảm nhẹ án cho những người này là được. Bao lâu nay những vụ va quẹt như vậy ít thấy nạn nhân bị đánh thưa kiện làm tới cùng. Nên những kẻ hung hăng coi thường pháp luật lộng hành nhiều" - bạn đọc Ho An không còn tin vào những lời hối lỗi của các nghi phạm.
Sống trên đời phải nuôi dưỡng được lòng nhân ái, thiện lương trong tâm trí, thì dù gặp hoàn cảnh nào cũng có thể giải quyết ổn thỏa. Tốt đẹp cho người cũng là tốt đẹp cho ta, chứ sao trong tâm luôn muốn trả đũa bằng bạo lực, nhiều bạn đọc bất bình.
Muốn xã hội yên bình, người người chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, đất nước đi lên và cụ thể là hạn chế các sự vụ đánh người khi va chạm giao thông thì trách nhiệm của mỗi cá nhân là rất lớn. Từ việc chấp hành luật an toàn giao thông, giữ cho mình "cái đầu lạnh", nhịn một chút để yên thân cũng được…
Nhiều người, như bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng cho rằng việc ngày càng nhiều người sẵn sàng vung tay vung chân, đánh người chỉ vì cái quẹt xe do áp lực cuộc sống là có.
Bạn đọc Hùng cho rằng hãy xem các hành vi này như một vấn đề xã hội. Nó bắt nguồn từ tốc độ phát triển, dòng chảy của xã hội quá nhanh, khiến con người vội vã đuổi theo. Tình trạng giao thông ùn tắc, khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn khắp nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, dẫn theo nhiều cảm xúc tiêu cực.
Từ đây, có nhiều giải pháp được bạn Hùng gợi mở: "Các hành vi vi phạm giao thông nhưng không bị xử lý nghiêm nhan nhản khắp nơi càng làm trầm trọng hơn các tâm tính tiêu cực. Do đó, ngoài việc xử lý các trường hợp không giữ được cái đầu lạnh trên đường này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên đường phố: vượt đèn đỏ, lấn làn, tạt đầu, đua xe lạng lách, dừng đậu sai vị trí, chạy ngược chiều...".
Trần Thanh Bình cũng nêu ra ba vấn đề có thể là nguyên do dẫn đến việc ngày càng có nhiều người hung hãn chỉ vì những va chạm rất nhỏ.
Theo Bình, việc truyền thông, phim ảnh, các video về bạo lực tràn lan, trong khi các phim hay, chương trình về giáo dục nhân cách, cách hành xử ít. Nhà trường, hệ thống giáo dục chỉ chú trọng giáo dục thành tích bảng điểm, bằng cấp mà không chú trọng đào tạo nhân cách, tư chất đạo đức, phẩm hạnh con người.
Việc thiếu các không gian xanh, giúp thanh lọc không khí, tạo không gian yên tĩnh khiến người dân bức bối, khó lòng giải tỏa áp lực.
"Đáng buồn là cả ba vấn đề trên vẫn tiếp tục phát triển theo chiều hướng tiêu cực", Thanh Bình viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận