Qua đó sẽ có nhiều chương trình tham quan nhằm giúp học sinh, thanh niên thấu hiểu để hun đúc hơn nữa "tình yêu Long An" và thêm tự hào với mảnh đất quê hương.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ngành tỉnh Long An
Giữa tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Long An tổ chức hội thảo "Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch". Hội thảo chứng kiến việc ký kết liên tịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, và Tỉnh đoàn tỉnh Long An về kế hoạch phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2023-2025.
Nội dung của liên tịch này nhằm phối hợp tổ chức định kỳ các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về nội dung, giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương cho các cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong các ngày nghỉ, dịp lễ lớn.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy Long An - tiếp tục khẳng định ngành du lịch có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển kinh tế bền vững. "Chỗ nào du lịch phát triển, chỗ đó người dân sẽ sống tốt. Tuy nhiên, trước đây từ lãnh đạo cho đến người dân Long An chưa ý thức, hiểu biết nhiều về việc phát triển du lịch. Chỉ từ năm 2016 đến nay, chúng ta mới thay đổi và bắt đầu hình thành nên các nền tảng để phát triển du lịch", ông Được nói.
Để phát huy hơn các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đối với việc phát triển du lịch, ông Được yêu cầu các lãnh đạo ngành du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị lữ hành,… hỗ trợ tối đa chi phí dịch vụ để trẻ em, học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được với các di tích lịch sử.
Đẩy nhanh việc thực hiện
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An là đơn vị có sáng kiến tham mưu với UBND tỉnh trong việc tổ chức Hội thảo trên, nhằm kết nối các sở ngành để đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Từ đó góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Ngay sau hội thảo, UNBD tỉnh Long An đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống, tổ chức cho học sinh tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa và du lịch trong tỉnh theo tinh thần đã được UBND tỉnh chỉ đạo trước đó.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho các trường việc sử dụng kinh phí cho môn học "hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp" gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉnh trang các khu di tích lịch sử, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên để tạo thêm sự hấp dẫn cho các tuyến du lịch trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ra văn bản hướng dẫn khá cụ thể, chi tiết về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh để tạo thuận lợi cho các trường trong công tác tổ chức các hoạt động tham quan, về nguồn, viếng địa chỉ đỏ các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh.
Vừa học lịch sử vừa giải trí vui chơi
Hiện tại, Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh.
Các đơn vị du lịch tại Long An cũng đã nhanh chóng hình thành nên các tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để học sinh, sinh viên có thể lựa chọn tham gia. Chị Đặng Thị Cẩm Hường - Giám đốc Công ty TNHH MICE TRAVEL (huyện Bến Lức, Long An) cho biết để hưởng ứng tinh thần của Bí thư Tỉnh ủy trong việc giúp các em học sinh Long An yêu hơn mảnh đất quê hương, công ty đã thiết kế nên nhiều tuyến mới đưa vào hoạt động.
Theo cấu trúc các tuyến du lịch này, phụ huynh và học sinh của các trường sẽ được tham quan một hoặc nhiều điểm di tích nổi bật tại tỉnh Long An như Công viên tượng đài Long An, Di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP Tân An), Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Rừng Tràm Bà Vụ (Bến Lức), Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Vàm Nhựt Tảo (Tân Trụ), Di tích Đồn Rạch Cát (Cần Đước),… Đây đều là những di tích lịch sử đã được xây dựng khang trang, tôn nghiêm, có hướng dẫn và thuyết minh lịch sử một cách sống động để các em có thể ấn tượng, dễ tiếp thu thêm những sự kiện lịch sử tại quê hương.
Sau khi tham quan các di tích lịch sử, tuyến du lịch sẽ hướng đến các điểm vui chơi, giải trí như Vườn thú Mỹ Quỳnh Safari, Khu du lịch sinh thái CHAVI Garden,… để các em có thể ngắm động vật hoang dã, trải nghiệm các trò chơi dân gian, tập làm nông nghiệp và học tập các kỹ năng sống bổ ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận