29/03/2025 11:04 GMT+7

Phát hoảng với người đàn ông uống rượu bằng cách bơm thẳng vào dạ dày

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ video dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh người đàn ông uống rượu bằng cách 'có một không hai' khiến nhiều người phát hoảng.

uống rượu - Ảnh 1.

Hình ảnh người đàn ông uống rượu bằng cách đổ trực tiếp vào ống thông dạ dày - Ảnh: Chụp màn hình

Trong video, người đàn ông lớn tuổi ngồi ăn nhậu cùng bạn bè. 

Thế nhưng điều khiến nhiều người phát hoảng là người đàn ông này rút ống tiêm và đưa ly rượu vào ống dẫn để chuyển rượu trực tiếp đến dạ dày.

Video đã thu hút hơn 600.000 lượt xem và hàng trăm bình luận. Đa số mọi người cho rằng người đàn ông đã có bệnh nhưng lại không giữ gìn sức khỏe, mà vẫn uống rượu bất chấp.

Sốc với clip người đàn ông uống rượu bằng cách bơm thẳng vào dạ dày, bác sĩ nói gì? - Video: DƯƠNG LIỄU - MXH

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, cho hay theo hình ảnh video ghi lại thì người đàn ông đã cắt thực quản và mở thông dạ dày.

"Nghĩa là các bác sĩ đã mở thành bụng bệnh nhân và đặt trực tiếp ống thông vào dạ dày để bơm thức ăn, nước uống", bác sĩ Mạnh cho hay.

Theo chuyên gia này, thông thường mở thông dạ dày được chỉ định đối với người bệnh bị u vùng miệng, họng, cổ, ngực hoặc thực quản. 

Khi khối u các khu vực này sẽ chèn ép làm hẹp hoặc bịt tắc hoàn toàn đường dẫn thức ăn xuống dạ dày. 

Vì thế mở thông dạ dày sẽ được thực hiện để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày, giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Ngoài ra, mở thông dạ dày còn áp dụng đối với bệnh nhân bị bỏng hoặc hẹp thực quản, viêm phổi hoặc gặp biến chứng khi đặt sonde mũi dạ dày lâu ngày. 

Hoặc các bệnh nhân dinh dưỡng kém hoặc chấn thương vùng đầu, rối loạn thần kinh.

Thông qua mở thông dạ dày, bệnh nhân được đáp ứng dinh dưỡng tốt hơn để hồi phục sức khỏe, duy trì sự sống.

"Khi rượu vào thẳng dạ dày cũng sẽ có tác dụng như việc uống rượu qua đường thực quản như bình thường", bác sĩ Mạnh nói.

Theo các chuyên gia khi sử dụng rượu bia, rượu bia sẽ ngấm qua niêm mạc dạ dày. Nếu dạ dày trống rỗng (uống khi đói), rượu đi thẳng vào máu.

Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có protein, thì tỉ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại.

Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. 

Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể, làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt, chân tay), cảm giác nóng, hạ huyết áp.

Khi đến não, rượu tác động đến hệ thần kinh, khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự tác động đó phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu mà đưa đến các trạng thái khác nhau: hưng phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi.

Đồng thời rượu còn là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. 

Khoảng 5-10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; còn lại 90-95% được chuyển đến gan để "xử lý".

Phát hoảng với người đàn ông uống rượu bằng cách bơm thẳng vào dạ dày - Ảnh 2.Rượu bia có liên quan đến sáu loại bệnh ung thư

Khi nghiên cứu khoa học ngày càng tiến bộ, chúng ta đang có một bức tranh rõ ràng hơn về tác động của rượu bia đối với sức khỏe, đặc biệt là liên quan đến ung thư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên