Vi khuẩn Thiomargarita magnifica được tìm thấy trong lá đước mục ở vùng ngập mặn tại quần đảo Guadeloupe thuộc Pháp ở Caribê - Ảnh: VOLLARD ET AL
Nhà sinh vật học Olivier Gros, làm việc tại Đại học Antilles (quần đảo Guadeloupe thuộc Pháp ở Caribê), đã phát hiện vi khuẩn Thiomargarita magnifica năm 2009 trong khi đang khám phá vùng nước ngập mặn ở quần đảo này.
Dài khoảng 1 - 2cm, vi khuẩn Thiomargarita magnifica lớn hơn khoảng 50 lần so với các loài vi khuẩn cỡ bự từng được biết đến trước đây, và là vi khuẩn đầu tiên có thể nhìn thấy được bằng mắt thường, theo báo Guardian.
Những vi khuẩn thông thường dài khoảng 2 micromet, những loài lớn nhất có thể dài 750 micromet. Tuy nhiên, chiều dài trung bình của Thiomargarita magnifica là khoảng 9.000 micromet và có thể dài đến 20.000 micromet (2cm).
Phát hiện gây kinh ngạc bởi theo các mô hình trao đổi chất của tế bào, vi khuẩn không thể phát triển đến kích thước lớn như vậy. Trước đây, các nhà khoa học từng đề ra giới hạn nêu ở trên cho kích thước của vi khuẩn, song giới hạn này lại nhỏ hơn khoảng 100 lần so với loài mới phát hiện.
Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 23-6, nhóm các nhà khoa học cho biết những kiểm tra kỹ hơn phát hiện ADN của Thiomargarita magnifica không trôi nổi tự do bên trong tế bào giống các vi khuẩn khác, mà nằm trong các túi nhỏ bên trong một màng bọc gọi là pepin.
"Đây là một khám phá rất thú vị, mở ra nhiều câu hỏi mới bởi vì đây không phải là một loài vi khuẩn từng được quan sát trước đây. Ví dụ, chúng tôi muốn hiểu thêm về những pepin đó, vai trò của chúng, và liệu chúng có đóng vai trò trong sự tiến hóa về kích thước khổng lồ của những vi khuẩn này hay không", Jean-Marie Volland, nhà sinh vật biển tại Phòng nghiên cứu các hệ thống phức hợp tại bang California (Mỹ), cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận