Đá dĩa mới phát hiện ở vực Song (thác Đôi), xã An Lĩnh, huyện Tuy An, Phú Yên - Ảnh: LÊ NGỌC MINH
Đá dĩa không chỉ là "hàng độc" của Việt Nam, mà là cả ASEAN, là hàng hiếm của thế giới. Chỉ vài nơi ở Ireland, Tây Ban Nha, Scotland, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... có kiểu đá cấu trúc tương tự.
Sững sờ với "anh em" nhà đá dĩa
Các vỉa đá này nhìn từ trên cao giống như những tổ ong vò vẽ khổng lồ. Đến gần, thấy nhiều cấu trúc khác nhau. Nhiều nhất là các khối cột đứng hình lục giác, bề mặt tựa như những chồng dĩa. Có khi các khối cột nằm ngang hoặc vòng cung. Có khi lại vuông vức từng khối như đá xây đền thờ cổ. Có điểm sát biển và có điểm trên đất liền, nhưng đều là những danh thắng nổi tiếng phục vụ du khách. Tất cả đều là điểm đến độc đáo của từng nước.
Tại Việt Nam, gành Đá Dĩa ở An Ninh Đông đã có thêm nhiều "anh em". Trong đợt khảo sát tìm sản phẩm mới cho du lịch Phú Yên từ ngày 16 đến 20-9, anh Lê Ngọc Minh, phó phòng lữ hành Sở VH-TT&DL tỉnh, đã hồ hởi đưa tôi đi gặp những "anh em" gành Đá Dĩa mới. Đó là Hòn Yến ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An; một đảo nhỏ sát bờ, nom từ xa giống như tổ yến, tới gần tựa ụ rơm.
Vào các dịp rằm và đầu các tháng 4, 5, 6 âm lịch hằng năm, nước cạn, biển lùi ra xa lộ bãi đá rộng, có thể lội bộ ra Hòn Yến ngắm san hô nổi. Mặt ngoài của Hòn Yến có cấu trúc như gành Đá Dĩa cực đẹp.
Ở Tuy An còn có thêm mấy "anh em" nhà đá dĩa nữa. Vùng 7, xã An Xuân với vực Trà Cơi, vực Hố Tròn. Ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Vĩnh có vực Song (còn gọi là thác Đôi, thác Vợ Chồng) và vực Hòm (còn gọi là thác Đơn). Các vực đều có hồ, thác bao bọc bởi cấu trúc đá dĩa liên hoàn và khác biệt, đẹp sững sờ.
Điều ngạc nhiên là cả hòn Đá Dĩa, núi Đá Dĩa, vực Đá Dĩa, thác Đá Dĩa đều có từ bao đời nay nhưng chỉ gành Đá Dĩa được khai thác du lịch. Những danh thắng này đều ở huyện Tuy An và sẽ dần mở ra bất ngờ về tài nguyên cảnh sắc du lịch của tỉnh Phú Yên và Việt Nam.
Đồi Đá Dĩa mới phát lộ ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên - Ảnh: LÊ NGỌC MINH
Đánh thức tài nguyên
Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên Phạm Văn Bảy báo tin vừa phát hiện thêm đồi Đá Dĩa ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. Khu vực này nằm trong mỏ đá đang trong quá trình khai thác, những công nhân đã phát hiện những vỉa đá dĩa ở nhiều điểm khác nhau, trải dài cả cây số.
Tỉnh đã có công văn khẩn chỉ đạo dừng khai thác đá ở khu vực này, mời các chuyên gia địa chất khoáng sản khảo sát, có phương án gìn giữ bảo tồn phù hợp nhằm phát huy giá trị tài nguyên.
Sáng sớm 20-9, chúng tôi cùng anh Lê Ngọc Minh ghé lại hiện trường. Phải nói là ngỡ ngàng! Các vỉa đá dĩa chỉ cách mặt đất chừng nửa mét. Không chỉ đá dĩa hình lục giác mà còn có hình ngũ giác, tứ giác. Không chỉ thấy bề mặt mà cả bề dọc, bề ngang với nhiều hình khối lớn nhỏ, cao thấp khác nhau. Màu sắc cũng khác biệt.
"Gia đình" đá dĩa ở Phú Yên giờ có thêm nhiều "anh em", những gành đá độc lạ đang ẩn mình, ngủ quên trong lòng đất, chờ người dân xứ Nẫu đánh thức, chung sức làm du lịch. Ngoài những vùng đã được phát hiện, có khi vẫn còn nhiều khu vực có đá dĩa độc đáo này.
Mong các cơ quan khẩn trương vào cuộc cùng Phú Yên lập kế hoạch, khảo sát địa chất, vẽ bản đồ, nghiên cứu. Một công viên đá dĩa toàn cầu và di sản thế giới, tại sao không?
Đá dĩa ở vùng 7, xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên - Ảnh: LÊ NGỌC MINH
Theo nghiên cứu địa chất, gành Đá Dĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách đó khoảng 30km đường chim bay.
Gần 200 triệu năm trước, nham thạch phun từ miệng núi lửa gặp nước biển lạnh đông cứng lại và xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận