30/04/2023 13:48 GMT+7

Phát hiện sớm các thể u vàng trên da

U vàng dưới mắt (Xanthelasma) là thể thường gặp nhất của u vàng ở da, có tỉ lệ lưu hành từ 1 - 4% trong dân số. Phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Phát hiện sớm các thể u vàng trên da - Ảnh 1.

Ban vàng thể gân - Ảnh bác sĩ cung cấp

U vàng ở da thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, tỉ lệ nam và nữ không có sự khác biệt. U vàng liên quan đến hội chứng tăng cholesterol máu gia đình thường khởi phát trước 10 tuổi.

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu tạo nhiều thể u khác nhau

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết u vàng là sự lắng đọng lipid khu trú ở da. Cơ chế bệnh sinh là do, chất mỡ không tan trong nước, vì vậy trong máu chúng sẽ được vận chuyển dưới dạng là lipoprotein. Các lipoprotein có vai trò gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa lipit trong đó có bệnh u vàng.

Tổn thương trong u vàng ở da là các ban đỏ đến sẩn, mảng hoặc nodules màu vàng do sự lắng đọng lipid trong da. Tùy theo biểu hiện được phân chia thành các thể khác nhau:

Thể phát ban: Tổn thương dát đỏ đến sẩn vàng từ 1 - 5mm, khởi phát đột ngột ở mặt duỗi của chi và mông hoặc các vị trí chấn thương da. Thể này thường liên quan tới tăng triglyceride máu. Đôi khi, ở mắt là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường, viêm tụy do tăng triglyceride máu.

Thể củ: Tổn thương là các sẩn hoặc nốt sần màu vàng hoặc ban đỏ nằm trên khớp hoặc mặt duỗi của tứ chi, đặc biệt là khuỷu tay và đầu gối, đơn độc hoặc tập trung lại thành đám lên tới 3cm. Bệnh liên quan tới tăng cholesterol máu.

Thể gân: Tổn thương là các nốt sần mịn, chắc nhưng di động, có màu da xuất hiện trên gân hoặc dây chằng, phổ biến nhất là gân Achilles.

Thể phẳng: Tổn thương là các dát, mảng màu vàng, sờ mềm. Thường gặp quanh mí mắt, cổ, thân, vai và nách.

U vàng thể phẳng khuếch tán có lipid máu bình thường là một type hiếm gặp của u vàng thể phẳng đặc trưng bởi sự bùng phát đối xứng của các u vàng phẳng trên mặt, cổ và thân trên nhưng không bị tăng lipid máu. Các u vàng này thường gặp ở những bệnh nhân bị các bệnh lý đơn dòng, đa u tủy xương, bệnh bạch cầu...

U vàng thể sùi: Tổn thương là các sẩn đơn độc, phẳng hoặc sùi thường phát triển trong khoang miệng hoặc trên da vùng sinh dục ngoài.

Nhiều bệnh có biểu hiện giống u vàng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi để khẳng định u vàng cần: Xét nghiệm đánh giá rối loạn lipid máu; xét nghiệm phát hiện các bệnh nền có thể gây tăng lipid máu: như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh gan hoặc bệnh thận. Bệnh nhân u vàng thể phẳng có lipid máu bình thường được đánh giá bệnh về huyết học liên quan. Sinh thiết: khẳng định chẩn đoán.

Bác sĩ Nhi nhấn mạnh u vàng cũng dễ nhầm với các bệnh khác. Chẳng hạn, Xanthelasma nên được phân biệt với các nguyên nhân khác gây sẩn quanh mắt như: Tăng sản tuyến bã; U ống tuyến mồ hôi; BCC thể u hoặc Juvenile xanthogranuloma.

U vàng thể phát ban cần phân biệt với u hạt hình vòng: sẩn hoặc mảng màu da trên thân và tứ chi. U vàng thể gân và củ cần phân biệt với các hạt thấp, hạt tophi, u hạt hình vòng dưới da và hồng ban nổi cao dai dẳng...

Việc điều trị bao gồm: 

- Tại chỗ: loại bỏ tổn thương, cải thiện vấn đề thẩm mỹ.

- Toàn thân: điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipid, nhằm giảm tái phát và hạn chế các biến chứng do tăng lipid máu gây nên (giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và điều trị tăng triglyceride sẽ ngăn ngừa viêm tụy).

Bệnh nhân mắc u vàng liên quan đến mỡ máu đòi hỏi phải theo dõi lâm sàng các bệnh lý liên quan đến tăng lipid máu và các nguyên nhân cơ bản của tăng lipid máu. Đối với u vàng không có rối loạn lipid máu, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật cắt bỏ hoặc can thiệp phá hủy, nhưng không ngăn ngừa tái phát lại tổn thương u vàng.

Theo TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết đái tháo đường bạch Mai, bệnh u vàng dưới mắt rất dễ gặp ở những người có lipid huyết tương (lipoprotein) bị rối loạn tăng cao. Tuy nhiên, mức độ mắc bệnh có thể có nguy cơ cao hơn nếu người đó có lượng cholesterol hoặc triglyceride trong máu cao do rối loạn chuyển hóa, bao gồm một số nguyên nhân gồm:

- Nguy cơ từ một số bệnh ung thư nghiêm trọng.

- Gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường (có thể do chế độ ăn không hợp lý).

- Ở những người mắc phải Hyperlipidemia (máu nhiễm mỡ ở những người có chế độ ăn không lành mạnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự hình thành tổn thương dẫn đến u màu vàng).

- Rối loạn chuyển hóa (chẳng hạn như ở những người tăng cholesterol trong máu, có thể liên quan đến di truyền, cũng là một nguyên nhân thường gặp của bệnh rối loạn chuyển hóa).

- Gặp ở những người bị tổn thương gan, xơ vữa động mạch do di truyền.

- Rối loạn chuyển hóa lipoprotein có thể liên quan đến kết quả của di truyền hay do một số bệnh như đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, tổn thương thận…

Vì vậy, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ngay.

Chỉ 3 tháng u nhầy, buồng trứng to lên và nặng 8kgChỉ 3 tháng u nhầy, buồng trứng to lên và nặng 8kg

Thấy bụng to nhanh nhưng do bận công việc và không mệt mỏi, bệnh nhân không đi khám và kết quả sau gần 3 tháng u đã nặng 8kg. Loại u bệnh nhân gặp là u nhầy buồng trứng, đa phần lành tính nhưng cũng có thể gây những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên