26/06/2013 20:03 GMT+7

Phát hiện nhiều thuốc hàm lượng lạ giá cao bất thường

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bảo hiểm xã hội VN công bố kết quả đấu thầu thuốc của 9 tỉnh thành đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo quy chế mới (thông tư 01) cho thấy: các thuốc có hàm lượng không giống thông thường, như các hàm lượng 300mg, 350mg, 700mg, 2,25g, 1,25g… đều có giá cao hơn từ 2-5 lần so với các thuốc cùng hoạt chất nhưng ở hàm lượng bình thường.

Cá biệt khi so sánh kháng sinh Cefixim dạng gói cùng nguồn gốc VN, thuốc hàm lượng lạ (75mg) so sánh với thuốc hàm lượng thông thường (100mg) thì giá thuốc hàm lượng thông thường rẻ bằng 1/5 thuốc hàm lượng lạ.

“Đây là một hình thức thay đổi hàm lượng để có độc quyền về giá. Nếu các thuốc có cùng hàm lượng, cùng mặt bằng thì giá cả phải tương đương, dùng biện pháp thay đổi hàm lượng để một mình một chợ thì đương nhiên có độc quyền về giá. Có thể sản xuất thuốc bằng bất kỳ hàm lượng nào, nhưng phải hướng dẫn thêm về các nhóm bệnh nhân đặc biệt cần thuốc hàm lượng bất thường”- đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết.

Cũng theo báo cáo này, kháng sinh là mặt hàng có chi phí trúng thầu cao nhất ở hầu hết các địa phương đã thực hiện đấu thầu theo quy chế mới, nhưng riêng tỉnh Bình Thuận thì Thập toàn đại bổ, một loại thuốc bổ, lại có chi phí lớn nhất. Xét về cơ cấu thuốc, có 2.211 loại thuốc ngoại và 3.646 loại thuốc VN trúng thầu cung cấp thuốc cho 9 tỉnh thành, trong đó Ấn Độ dẫn đầu danh sách quốc gia cung cấp thuốc ngoại, Trung Quốc cũng nằm trong top 5 nhà cung cấp thuốc vào bệnh viện VN dịp này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về giá trúng thầu thuốc Trung Quốc vào bệnh viện VN quá rẻ, kháng sinh tiêm Ceftriaxone 1g trúng thầu vào Hải Phòng chỉ 8.900đ/lọ, đại diện một doanh nghiệp sản xuất kháng sinh ở VN cho biết nếu tính nguyên liệu giá rẻ, giá nguyên liệu cho mỗi lọ kháng sinh này đã là 4.200đ (nguyên liệu nguồn gốc châu Âu chi phí gấp đôi), chi phí cho bao bì, vỏ hộp, thùng… là 1.000đ/lọ, chi phí lọ thủy tinh loại nguồn gốc châu Á 1.000đ/lọ, chi phí điện nước, xử lý môi trường… 500đ/lọ, chi phí khấu hao xây dựng nhà máy sản xuất kháng sinh 3.500đ/lọ. Các chi phí này đã cao hơn giá trúng thầu thuốc, chưa kể đưa thuốc ra được thị trường còn cần các khâu tiếp thị, vận chuyển, chi phí văn phòng, lương nhân viên… “Giá thuốc quá rẻ có thể dẫn đến vấn đề chất lượng không đảm bảo”- nhà sản xuất này cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, giá cả và chất lượng thuốc là hai yếu tố quan trọng khi lựa chọn thuốc trúng thầu. “Chi phí cho thuốc chiếm khoảng 40% tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Tới đây khi tổ chức đấu thầu thuốc vào Bệnh viện Việt Đức, hội đồng thầu sẽ quan tâm đến cả 2 yếu tố này khi chấm thầu” - ông Quyết cho biết.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên