25/08/2016 08:18 GMT+7

Phát hiện nhiều mẫu hải sản nhiễm độc

LAN ANH - QUỐC NAM
LAN ANH - QUỐC NAM

TTO - Phát hiện này được đưa ra tại báo cáo của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gửi Bộ Y tế.

Kết quả kiểm nghiệm ngày 16-8 và 22-8 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gửi Bộ Y tế - Ảnh: C.A.
Kết quả kiểm nghiệm ngày 16-8 và 22-8 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gửi Bộ Y tế - Ảnh: C.A.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, có 6/9 lấy tại tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 8 được phát hiện dư lượng các chất độc như cyanua, phenol và dư lượng kim loại nặng là cadimi vượt ngưỡng cho phép.

Cá nhiễm cyanua, phenol

Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong số 9 mẫu hải sản gồm cá trạng buồn, cá nhồng, cá đuối, cá man, cá mu, ghẹ ba mắt, cá mỏ neo... được lấy hôm 5-8 tại huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, kết quả cho thấy hàm lượng kim loại nặng như thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi mức 0,079mg/kg, vượt mức cho phép theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, cơ quan này phát hiện cyanua trong 5 mẫu: ghẹ 3 mắt với hàm lượng 0,8mg/kg, cá đuối 0,8mg/kg, cá nhồng 0,6mg/kg, cá man 0,5mg/kg, cá mỏ neo 3,9mg/kg và phenol trong 3 mẫu: cá đuối 14mg/kg, ghẹ ba mắt 10mg/kg, cá man 8,3mg/kg.

Trả lời Tuổi Trẻ về sự bất nhất giữa các kết quả kiểm nghiệm hải sản tại khu vực miền Trung, Cục An toàn thực phẩm cho biết đó là kết quả tính đến ngày 19-8, còn kết quả kể trên là hôm 22-8 cơ quan kiểm nghiệm mới gửi tới, cục chưa cập nhật về số liệu.

Trước đó ngày 23-8, Cục An toàn thực phẩm công bố chỉ có 1/18 mẫu được kiểm nghiệm có dư lượng kim loại nặng vượt ngưỡng là không đạt yêu cầu, đó là mẫu cá trạng buồn.

Tính từ tháng 4 đến nay, nhiều kết quả kiểm tra hải sản ở bắc miền Trung được công bố nhưng có phần trái ngược nhau.

Cụ thể cuối tháng 5-2016, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra trên 140 mẫu hải sản tươi, muối, rau ăn, nước ăn... lấy tại khu vực bốn tỉnh gặp thảm họa môi trường, trong số này có 97 mẫu hải sản, kết quả được công bố trên truyền thông là chưa phát hiện dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng.

Tuy nhiên, một kết quả khác mới công bố cho thấy trong hơn 430 mẫu hải sản lấy ở hai tháng 4 và 5, tỉ lệ mẫu còn dư lượng kim loại nặng như chì, sắt, crôm... là rất cao. Đến tháng 7 vừa qua, tỉ lệ này vẫn còn lên tới 25,9%.

Hàng trăm tấn cá tồn kho

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hữu Hoài - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết hiện tại tỉnh chưa có kế hoạch trợ giúp việc tiêu thụ đối với số cá tồn kho tại các kho đông lạnh của các chủ cơ sở vốn trước đây được tỉnh khuyến khích mua hải sản cho ngư dân trong thời điểm sau khi cá chết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các chủ cơ sở cho biết UBND tỉnh Quảng Bình có nhiều văn bản khuyến khích mua hải sản để giải quyết khó khăn cho ngư dân.

Hưởng ứng sự vận động đó, hàng trăm tấn hải sản đã được các chủ cơ sở này mua sau khi được các cơ quan chuyên môn của tỉnh xét nghiệm và cấp chứng nhận hải sản sạch. Các chủ cơ sở cũng xác nhận đã nhận được 20% tiền trợ giá của tỉnh.

“Chúng tôi tích cực hỗ trợ việc mua cá để gỡ khó cho ngư dân. Giờ đến khi không bán được thì tỉnh lại không giúp” - một chủ cơ sở nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Hoài nói hiện tỉnh chưa nhận được bất cứ thông tin nào của các chủ cơ sở mua hải sản phản ảnh việc cá đông lạnh tồn kho hàng trăm tấn.

Theo ông Hoài, tỉnh Quảng Bình đã làm hết sức có thể để hỗ trợ ngư dân cũng như các đối tượng liên quan bị thiệt hại sau vụ cá chết hàng loạt. Ông Hoài còn nói tổng số tiền trợ giá lên đến gần 30 tỉ đồng và đã chi trả đến tận tay các chủ cơ sở.

“Tất cả những số cá này là cá sạch đã được chứng nhận nên hoàn toàn được lưu thông theo giá cả thị trường. Tỉnh không thể đứng ra bán cá thay doanh nghiệp được” - ông Hoài nói.

Ông Phan Văn Khoa, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình, cũng nói đây là cá sạch hoàn toàn, có thể bán bình thường nên buộc tỉnh hỗ trợ là rất khó.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, sắp tới những cơ sở mua hải sản này sẽ nằm trong nhóm được hỗ trợ từ tiền bồi thường của Formosa.

Cùng ngày, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh quyết định tiêu hủy khoảng 60 tấn hải sản đông lạnh được mua trong thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5-2016.

Theo đó, 20 tấn hải sản đông lạnh nhiễm phenol tại kho đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) nằm trong nhóm hải sản sẽ bị tiêu hủy lần này.

Chính quyền còn tiêu hủy 40 tấn hải sản tại một số kho đông lạnh thuộc hai huyện Gio Linh và Triệu Phong. Số hải sản này không có khả năng tiêu thụ.

Lập ban chỉ đạo ổn định đời sống cho nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định lập ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Ban chỉ đạo này do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm phó ban.

Theo quyết định, ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm thành lập tổ công tác triển khai thực hiện thống kê, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

X.LONG - L.C.

LAN ANH - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên