10/07/2011 07:04 GMT+7

Phát hiện nhiều gian lận thi cử

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Một thí sinh sử dụng điện thoại nhắn tin gửi nội dung đề thi ra ngoài, trong khi nhiều thí sinh khác bị phát hiện sử dụng điện thoại trong thời gian làm bài. Nhiều thí sinh đã bị xử lý kỷ luật vì những "trò gian lận" thi cử.

6AMvLs2E.jpgPhóng to
Sáng sớm 9-7, một vụ kẹt xe đã xảy ra trên cầu Sài Gòn, TP.HCM. Sợ trễ giờ thi, nhiều thí sinh phải xuống xe đi bộ - Ảnh: HÀ BÌNH

Trong buổi thi đầu tiên, sau khi làm bài được gần một giờ, cán bộ coi thi tại phòng thi số 675, điểm thi 26 (Trường THPT Ngô Thì Nhậm) của hội đồng thi Viện ĐH Mở Hà Nội phát hiện một thí sinh nữ sử dụng điện thoại có tai nghe nhắn tin ra bên ngoài. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi.

Gửi đề ra ngoài

Chiều 9-7, TS Lê Văn Thanh, viện trưởng Viện ĐH Mở, cho biết đó là thí sinh Đào Thị P., số báo danh 21051, dự thi khối D vào ngành tài chính ngân hàng. Sau khi xác minh, công an đã nắm thông tin cụ thể sự việc như sau: Trước khi vào phòng thi, P. vào nhà vệ sinh để nhét điện thoại và tai nghe vào cạp quần, P. luồn dây tai nghe điện thoại qua áo, gắn tai nghe và lấy tóc phủ kín.

Sau khi nhận đề thi, P. đã nhắn câu số 3 đề văn khối D cho em trai là Đào Văn H., em sinh đôi với P. đang ở nhà, để nhờ giải đề hộ. Để làm rõ sự việc, công an đã cho mời Đào Văn H. đến. H. cho biết nhận được hai tin nhắn của chị cầu cứu câu 3 đề văn khối D, H. đã nhắn trở lại 12 tin. Nhưng đến khi bị phát hiện, P. mới chỉ đọc được một tin nhắn đầu tiên của H. hỏi kỹ về câu hỏi, các tin còn lại P. chưa đọc được.

Từ thực tế vụ việc, lãnh đạo PA83 Công an TP Hà Nội khẳng định: “Đề thi chưa bị phát tán ra bên ngoài vì khi nhận được tin của P., H. đang ở nhà và không phát tán đề thi. Vì vậy, cả hai chị em P. và H. đã được cơ quan công an cho về nhà. P. sẽ chỉ bị xử lý bằng quy chế tuyển sinh, không bị xử lý bằng pháp luật”. Theo quy chế tuyển sinh, P. sẽ bị cấm tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ trong hai năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết trong giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Thăng Long, cán bộ coi thi của ĐH Luật Hà Nội đã đình chỉ thi một thí sinh ngang nhiên mang điện thoại di động vào phòng thi. Khi cán bộ coi thi phát hiện, điện thoại vẫn đang trong chế độ mở. Một thí sinh dự thi ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng mang điện thoại di động vào phòng thi và bị giám thị phát hiện khi điện thoại ở chế độ mở và có tin nhắn đến.

Nhiều thí sinh dùng tài liệu

Ngoài điện thoại di động, trong ngày thi đầu tiên của đợt 2 đã có nhiều trường hợp bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu trong phòng thi. Ông Nguyễn Văn Hiền, trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết trong môn thi văn, các giám thị đã phát hiện và đình chỉ một thí sinh do mang tài liệu vào phòng thi. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đã phải đình chỉ một số trường hợp vì mang tài liệu vào phòng thi. Học viện Báo chí tuyên truyền cũng đình chỉ thi một thí sinh mang tài liệu vào quay cóp trong giờ thi môn lịch sử...

Tại TP.HCM, vẫn còn một số sai sót liên quan đến cán bộ coi thi. Một thí sinh dự thi khối N tại phòng thi 1132 điểm thi Trường ĐH Sài Gòn cho biết trong buổi thi đầu tiên, giám thị phổ biến lịch thi môn năng khiếu là ngày 10-7. Thí sinh tại phòng này thắc mắc thông báo do trường phát cho thí sinh trong ngày làm thủ tục, ngày dự thi năng khiếu của thí sinh phòng này là 11-7 chứ không phải 10-7, giám thị trả lời không biết!

Phụ huynh thí sinh này cho biết đã gọi đến trường hỏi về vấn đề này và được hướng dẫn đi thi theo lịch trong thông báo của trường (tức 11-7). Tuy nhiên phụ huynh này cho biết để an toàn, ngày 10-7 vẫn đưa thí sinh đi thi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết sẽ kiểm tra thông tin và nếu giám thị phổ biến như vậy là sai.

Tại điểm thi Trường THCS Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh) của Trường ĐH Luật TP.HCM, một thí sinh sau khi làm bài thi môn văn khoảng 120 phút thì viết hết mực. Sau đó, thí sinh này phải đổi cây viết khác để tiếp tục làm bài, tuy nhiên màu mực lại khác. Giám thị coi thi phát hiện trường hợp này nhưng vẫn cho phép thí sinh tiếp tục làm bài bình thường. Đến cuối buổi thi, giám thị đã lập biên bản xác nhận sự cố ngoài ý muốn cho thí sinh này.

Sáng 9-7, tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một thí sinh cho biết vừa bị mất giấy báo thi. Thí sinh này yêu cầu nhà trường cấp lại giấy báo thi mới. Tuy nhiên, sau khi xác minh hồ sơ hội đồng thi, nhà trường phát hiện phiếu số 2 của thí sinh này là giả mạo. Khi đó, thí sinh này bỏ đi ngay.

Tại Trường ĐH Tây nguyên, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết có bốn thí sinh bị đình chỉ trong khi thi môn lịch sử, trong đó có ba trường hợp giở tài liệu, một trường hợp sử dụng điện thoại.

107 thí sinh bị xử lý kỷ luật

Kết thúc hai môn thi đầu tiên của đợt 2, Ban chỉ đạo tuyển sinh (Bộ GD-ĐT) đánh giá “công tác coi thi tiếp tục được tăng cường, kỷ luật trường thi tiếp tục được siết chặt”. Theo báo cáo từ các hội đồng tuyển sinh, trong ngày thi đầu tiên của đợt 2 kỳ thi đại học 2011, đã có 107 thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật với 15 trường hợp xử lý ở mức khiển trách, hai thí sinh bị cảnh cáo và có tới 90 thí sinh bị đình chỉ thi.

Ban chỉ đạo tuyển sinh cho biết trong số thí sinh bị đình chỉ thi có 41 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong ngày thi đầu tiên của đợt 2 đã có một cán bộ coi thi bị xử lý cảnh cáo.

Ban chỉ đạo tuyển sinh cũng đánh giá đề thi các môn toán, văn, lịch sử và sinh học đều được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12. Không có sai sót; không có hiện tượng nhầm mã đề thi đối với các môn thi trắc nghiệm.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên