Đây là lần đầu tiên các chuyên gia tìm thấy bằng chứng về cocaine ở cá mập hoang dã, sau khi xét nghiệm mẫu mô gan và cơ của 13 con cá mập mũi nhọn tại ven biển thành phố Rio de Janeiro, theo một báo cáo mà Đài CNN thu thập được.
Các nhà khoa học quyết định kiểm tra cá mập mũi nhọn vì chúng có kích thước nhỏ và sống khu vực ven biển, nơi chúng có thể tiếp xúc với lượng lớn chất gây ô nhiễm trong suốt vòng đời.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment, nồng độ cocaine trong mô cơ của chúng cao hơn khoảng 3 lần so với mô gan, đồng thời nồng độ cocaine trong mô cơ của cá mập cái cao hơn so với cá mập đực.
Nói với Đài CNN, nhà khoa học Enrico Mendes Saggioro thuộc nhóm nghiên cứu tại Viện Oswaldo Cruz (Brazil) cho biết hàm lượng cocaine gây ô nhiễm biển đến từ nước thải của những người sử dụng loại chất kích thích này, cũng như hoạt động sản xuất tại các phòng thí nghiệm cocaine trái phép.
Các nhà khoa học nói thêm rằng việc tiêu thụ cocaine đã tăng mạnh trên toàn thế giới trong những thập kỷ gần đây. Trong đó Brazil là thị trường tiêu thụ chất này lớn thứ hai tại khu vực Nam Mỹ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận định hệ thống xử lý nước thải kém cũng góp phần làm tăng mức độ cocaine trong nước biển.
Theo ông Mendes Saggioro, hiện chưa có nghiên cứu nào kết luận cụ thể về việc liệu cocaine có ảnh hưởng đến sức khỏe của cá mập hay không. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước chỉ ra rằng loại chất kích thích này gây hại cho các loài sinh vật biển khác như cá và trai.
Ngoài cá mập, nhà khoa học Mendes Saggioro cho rằng các loài động vật giáp xác tại khu vực biển này nhiều khả năng cũng bị nhiễm cocaine.
Bên cạnh đó, hiện các nhà khoa học cũng chưa thể kết luận về những tác động tiềm tàng đến sức khỏe con người sau khi cocaine xâm nhập chuỗi thức ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận