Răng cá mập được thu thập ở độ sâu hơn 5.400 m gần Quần đảo Cocos Ảnh: csiro.au
Các nhà nghiên cứu Australia vừa phát hiện một nghĩa trang cá mập ở đáy Ấn Độ Dương. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) ngày 7/12 công bố một số phát hiện của các nhà nghiên cứu khi tiến hành khảo cứu đa dạng sinh học ở 2 công viên biển mới nhất của nước này.
Trong khi nghiên cứu sự sống dưới biển và môi trường sống ở đáy biển ở Công viên biển quần đảo Cocos ở Ấn Độ Dương, một chiếc lưới ở độ sâu 5.400 m đã kéo lên hơn 750 chiếc răng cá mập hóa thạch. Những chiếc răng này không chỉ thuộc loài cá mập hiện đại như cá mập Mako và cá mập trắng, mà còn thuộc về các loài thời tiền sử như tổ tiên của loài cá mập khổng lồ, một loài cá mập lớn đã tuyệt chủng cách đây khoảng 3,5 triệu năm. Các nhà nghiên cứu mô tả phát hiện này là gây kinh ngạc.
Nhà khoa học John Keesing, Trưởng nhóm khảo cứu thuộc CSIRO, ước tính 1/3 số mẫu thu thập được trong chuyến khảo cứu của tàu nghiên cứu Investigator là mới đối với khoa học, trong đó có loài cá mập sừng sống ở vùng biển sâu hơn 150 m và chưa bao giờ được mô tả hay đặt tên.
Theo ông, các phát hiện này không chỉ giới hạn ở các loài mới mà còn là cơ hội để hiểu biết thêm về các hệ sinh thái biển, cũng như phân bố các loài, sự phong phú và hành vi của chúng. Từ các loài cá mập nhỏ sống ở tầng đáy mới đến các loài cá mập khổng lồ cổ đại từng lang thang khắp các đại dương, các cuộc khảo cứu đa dạng sinh học này đem lại cái nhìn sâu hơn vào sự sống trong các đại dương.
Sau các cuộc khảo cứu quần đảo Cocos, tàu nghiên cứu Investigator đang ở công viên biển Gascoyne, gần bờ biển Tây Australia.
CSIRO thực hiện các cuộc khảo cứu trên để tăng cường hiểu biết về các công viên biển và hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận