Đoàn kiểm tra đo thực tế bồn xăng để phát hiện tình trạng găm hàng tại các đại lý, cửa hàng - Ảnh: T.L
Theo ông Long, ngay sau cuộc họp ngày 9-2 do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, bộ đã thành lập đoàn kiểm tra gồm các đơn vị Thanh tra Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường... thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Trong ngày hôm nay (10-2), đoàn thanh kiểm tra trực tiếp làm việc và kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng dầu tại Vĩnh Long. Theo đó, kiểm tra 10 đơn vị, phát hiện 2 đơn vị đăng biển hết xăng RON95, khi kiểm tra bồn không còn xăng.
Đoàn kiểm tra tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình các giấy tờ liên quan để truy xuất nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cho thấy một số thương nhân đầu mối đã không cung cấp xăng cho cây xăng để bán hàng.
Đoàn kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong ảnh: một cửa hàng được kiểm tra - Ảnh: T.L
Tiếp tục kiểm tra tại Sóc Trăng, cũng phát hiện nhiều cửa hàng không hoạt động và ngừng bán xăng. Đáng chú ý, khi kiểm tra thực tế tại bồn chứa, đoàn phát hiện có đơn vị trong bồn vẫn chứa tới 7.000 lít xăng nhưng không mở bán.
Cụ thể, trong buổi chiều ngày 10-2, đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng RON95 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển không bán. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
"Theo lý giải của cửa hàng này, do vừa nhập hàng về và chưa kịp bán. Qua kiểm tra, chúng tôi cho rằng không logic khi lượng trong bồn là 7.000 lít và nhập về là 6.000 lít, như vậy vẫn còn 1.000 lít thì không thể không bán, vì vậy chúng tôi lập biên bản để có hướng xử lý theo đúng thẩm quyền" - ông Long thông tin.
Đánh giá sơ bộ ban đầu, ông Long cho hay có hiện tượng có đơn vị đầu mối không cung cấp được hàng cho cửa hàng để bán, nhưng cũng có tình trạng cửa hàng có xăng trong bồn nhưng không bán.
Do đó, theo phân cấp quản lý, cửa hàng kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của sở công thương, nên đoàn kiểm tra sẽ báo cáo cấp trên và làm việc với sở công thương địa phương để kiểm tra, đánh giá và xử lý. Trên cơ sở hành vi vi phạm, sẽ có biện pháp xử lý phù hợp, với mức cao nhất là thu hồi giấy phép.
Ông Long cho hay theo chương trình công tác, đoàn sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công thương sẽ phối hợp với địa phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo thẩm quyền để kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận