Nhóm nghiên cứu của Đại học James Madison (JMU) tại Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 500.000 cơn dông trên khắp thủ đô Washington DC và thành phố Kansas của Mỹ trong 12 năm. Họ phát hiện rằng càng có nhiều hạt bụi mịn trong không khí (khí dung) sẽ càng có nhiều sét đánh hơn.
"Ô nhiễm hoạt động như hạt nhân của mây. Chúng được đưa vào trong mây thông qua luồng khí bốc lên cao. Sau đó các luồng khí bốc lên và hạ xuống sẽ khiến các phân tử ô nhiễm (hạt bụi) va chạm và tạo ra điện tích, dẫn đến việc sản sinh ra nhiều sét hơn", trang ScienceAlert ngày 8-9 dễn lời nhà địa lý học Mace Bentley cho biết.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào các hạt bụi mịn PM2.5 (có kích thước 2,5 micromet) và PM10 (có kích thước 10 micromet) trong môi trường, so sánh chúng với hoạt động của dông bão. Họ nhận thấy dường như mật độ của các hạt này có sức ảnh hưởng lớn hơn kích cỡ của chúng.
Dù theo dữ liệu thì càng nhiều bụi mịn sẽ càng có nhiều sét, song tới một lúc nào đó khi có quá nhiều bụi trong không khí thì dường như lượng sét đánh sẽ giảm đi, có lẽ là do mất năng lượng bên trong cơn dông bão.
Đây là các kịch bản có rất nhiều biến số vì có nhiều yếu tố khác cùng tác động trong dông bão, chẳng hạn như các luồng khí hay lớp đất phủ. Dù có mối quan hệ phức tạp nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy cả 2 thành phố trong nghiên cứu là Washington DC và Kansas đều có nét tương đồng.
"Có vẻ như dù chúng ta đi đến đâu trên thế giới thì ô nhiễm đô thị đều có khả năng làm tăng sấm sét", ông Bentley nhận định.
Nghiên cứu cũng có một số phát hiện thú vị: dông bão thường xảy ra nhất vào ngày thứ năm ở hai thành phố nói trên, và ngày ít dông bão nhất ở Washington DC là thứ hai trong khi ở Kansas là thứ sáu.
Nhóm cũng quan sát thấy rằng khi có nhiều năng lượng nhất trong khí quyển (ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ và độ ẩm) thì mức độ ô nhiễm không khí có tác động lớn nhất đến số lượng sét đánh.
Phát hiện trên giúp chúng ta hiểu hơn về cách các biến động trong ô nhiễm không khí có thể tiếp tục định hình lại các mô hình khí tượng.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục phân tích mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sét đánh tại những khu vực khác trên thế giới, đồng thời đo đạc nhiều hơn để hiểu hơn về mức độ ảnh hưởng của khí dung.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Atmospheric Research.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận