Cận cảnh loài “ếch bay” mới - Ảnh: australianmuseum.net.au |
Ếch cây Rhacophorus helenae có kích thước cơ thể khá lớn - Ảnh: australianmuseum.net.au |
Phát hiện này bất ngờ bởi loài ếch mới hiện chỉ sống trong hai mảng rừng ở Việt Nam, đó là khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Bình Thuận và rừng Tân Phú, Đồng Nai. Hai khu bảo tồn nằm cách nhau chưa đầy 30km bởi các vùng đất canh tác nông nghiệp và cách không xa TP.HCM sầm uất.
Loài ếch cây mới (tên khoa học Rhacophorus helenae) có chiều dài cơ thể khoảng 10cm. Nó có màng da nối liền giữa các chi nên có thể lướt mình nhẹ nhàng từ cây này sang cây khác. Loài ếch cây Helen không được chú ý trong một thời gian dài do nó sống trên những tán cây cao.
“Để phát hiện loài ếch cây mới này, tôi và các đồng nghiệp phải trèo lên vùng núi non hiểm trở, lội suối và băng qua những thảm thực vật rậm rạp, đầy gai nhọn”, tiến sĩ Jodi Rowley, nhà sinh vật học nghiên cứu lưỡng cư, làm việc tại Bảo tàng Úc, kể lại.
Tiến sĩ Rowley đã lấy tên của mẹ cô là Helen Rowley để đặt tên cho loài ếch mới Rhacophorus helenae để luôn nhớ đến người mẹ lúc nào cũng ủng hộ cô đi theo con đường đã chọn. Mẹ cô gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Khu vực rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Bình Thuận - Ảnh: Jodi Rowley |
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết loài ếch cây mới tại Việt Nam đang bị đe dọa do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người như chăn thả gia súc và thu hái lâm sản. Các vùng đất thấp rừng nhiệt đới hiện cực kỳ khan hiếm trên thế giới. Đa phần diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do bị ảnh hưởng bởi bùng nổ dân số, nông nghiệp và phát triển công nghiệp.
“Loài ếch mới rất cần được bảo vệ kịp thời bởi nó cũng đang sống trong khu vực rừng đất thấp Đồng Nai - nơi phân loài tê giác Java được công bố tuyệt chủng trong tháng 10-2011”, cô Rowley bày tỏ mối lo ngại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận