Viện bảo tàng Canterbury phục dựng hình dáng và kích thước khổng lồ của loài chim cánh cụt Crossvallia waiparensis - Ảnh: CANTERBURY MUSEUM
Hãng tin AFP cho biết bộ xương thuộc về loài động vật sống dưới nước cao đến 1,6m và nặng 80kg. Đây là loài chim cánh cụt Crossvallia waiparensis chưa từng biết đến, sống ven bờ biển ở kỷ Cổ Cận (Paleocene), khoảng 56 - 66 triệu năm trước.
Viện bảo tàng Canterbury tại New Zealand đã tiến hành phân tích các mẩu xương hóa thạch của loài "chim cánh cụt quái vật" này. Đài BBC ngày 13-8 cho biết Bảo tàng Canterbury vừa thêm Crossvallia waiparensis vào danh sách những loài khổng lồ đã tuyệt chủng tại New Zealand.
"Đây là một trong những loài chim cánh cụt lớn nhất từng được tìm thấy" - ông Paul Scofield, quản lý cấp cao của bảo tàng, nói với Đài BBC. Ông Scofield cho biết thêm rằng đây là đặc trưng của vùng biển tại bán cầu Nam.
Loài chim cánh cụt lớn nhất còn sống ở hiện tại là chim cánh cụt hoàng đế, có thể cao đến 1,2m.
Mẩu xương hóa thạch thuộc về loài chim cánh cụt Crossvallia waiparensis - Ảnh: CANTERBURY MUSEUM
Ông Scofield giải thích sở dĩ chim cánh cụt có thể trở nên khổng lồ như vậy là nhờ sự biến mất của các loài bò sát sống dưới biển vào cùng thời điểm khủng long tuyệt chủng.
"Trong khoảng 30 triệu năm sau đó chính là thời của chim cánh cụt khổng lồ" - quản lý bảo tàng Canterbury nói.
Loài chim cánh cụt mới phát hiện này, Crossvallia waiparensis, giống với một loài chim cánh cụt tiền sử khác là Crossvallia unienwillia. Loài Crossvallia unienwillia đã được tìm thấy ở Nam cực năm 2000.
Theo các nhà nghiên cứu thì bàn chân của loài chim cánh cụt Crossvallia đóng vai trò quan trọng trong việc bơi dưới nước hơn ở loài chim cánh cụt ngày nay. Hiện vẫn chưa rõ lý do biến mất của loài chim cánh cụt khổng lồ khỏi vùng biển ở Nam bán cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận