Có thể hình dung hố xanh là một loại hang động lớn dưới đại dương. Phần bề mặt của hố có thể dễ dàng được nhìn thấy trên biển.
Tên gọi hố xanh là do nước bề mặt của hố có màu xanh dương đặc trưng, thường khác biệt hẳn với những vùng xung quanh.
Hố xanh thường được hình thành do sự xói mòn của đá vôi. Nước trên bề mặt thấm qua đá, hòa tan các khoáng chất và làm vết nứt ngày càng mở rộng, cuối cùng khiến đá sụp đổ.
Phần lớn hố xanh được phát hiện đến lúc này có độ sâu trong khoảng từ 10 - 100m.
"Danh hiệu" hố xanh sâu nhất thế giới trước nay thuộc về hố xanh Sansha Yongle, còn được gọi là hố Rồng, ở Biển Đông với độ sâu 301m.
Tuy nhiên nó vừa bị "soán ngôi". Theo trang tin khoa học Live Science, các chuyên gia vừa dùng kỹ thuật đo đạc mới để xác định hố xanh Taam Ja nằm ở vịnh Chetumal ngoài khơi bờ biển phía đông nam của bán đảo Yucatan (Mexico) sâu tới 420m.
Con số này khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ khi các phép đo trước đây vào năm 2021 ước chừng hố sâu chỉ khoảng 274m. Độ sâu 420m lớn hơn kỷ lục của hố Rồng đến 119m.
Trong chuyến lặn thám hiểm hố xanh Taam Ja vào ngày 6-12-2023, nhóm nghiên cứu thực hiện các phép đo bằng máy đo độ dẫn, nhiệt độ và độ sâu (CTD). Đây là một thiết bị có bộ đầu dò đọc và truyền các đặc tính của nước lên bề mặt theo thời gian thực thông qua hệ thống cáp.
Kết quả nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Frontiers in Marine Science. Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo rằng số liệu cập nhật từ hố xanh Taam Ja là "hố xanh sâu nhất được biết đến trên thế giới".
Cũng theo báo cáo, nhóm nghiên cứu đang làm rõ các lớp nước khác nhau trong hố xanh Taam Ja. Chẳng hạn, lớp nước dưới 400m có điều kiện nhiệt độ và độ mặn giống với điều kiện của biển Caribê và các đầm phá rạn san hô ven biển gần đó.
Các chuyên gia lập luận điều này cho thấy hố xanh Taam Ja có thể được kết nối với đại dương thông qua một mạng lưới đường hầm và hang động ẩn giấu.
Các phép đo ban đầu với hố xanh Taam Ja được thực hiện bằng máy đo tiếng vang, một thiết bị gửi sóng âm xuống đáy nước và đo tốc độ sóng dội lại để tính khoảng cách. Nhưng kỹ thuật này có nhiều hạn chế do sự dao động của mật độ nước và hình dạng khó đoán của mỗi hố.
Một điều đáng lưu ý là kết quả mới nhất từ phép đo CTD có độ chính xác cao hơn nhưng theo nhóm nghiên cứu, độ sâu tối đa của hố xanh Taam Ja còn lớn hơn con số 420m hiện tại.
Nhóm viết trong báo cáo rằng họ vẫn chưa chạm được đáy thật sự của hố xanh Taam Ja. Lý do là do hố xanh có hệ thống hang động, đường hầm quá phức tạp, vì vậy cần thêm các thiết bị đo hiện đại tiếp tục được cập nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận